Việc điều chỉnh này của Techcombank nhằm mục tiêu tiếp tục tập trung nguồn vốn để đầu tư cho nền tảng và phục vụ chiến lược kinh doanh sắp tới. Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết, việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 3,2%, Techcombank tiếp tục ở vị thế đầu ngành về hiệu quả hoạt động và khả năng quản lý tài sản tốt. Ngân hàng này cũng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong cả năm 2022, bất chấp một số thách thức từ bối cảnh thị trường trong quý 4, với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận đều tăng trưởng trên hai con số.
Đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu quản lý nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5% trong năm 2023; tăng cường các giải pháp quản trị tài chính để duy trì thanh khoản cùng doanh nghiệp; tăng cường các trải nghiệm cá nhân hóa và hợp tác cùng các đối tác lớn để gia tăng ưu đãi cho khách hàng.
Ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc tài chính cao cấp của Techcombank chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân hồi tháng 2/2023: “Nắm bắt được yêu cầu nguồn vốn và thanh khoản là yếu tố hàng đầu, Techcombank đã nhanh chóng thực hiện các chương trình gắn kết khách hàng để thu hút dòng tiền tiết kiệm và tăng trưởng mạnh phần tiền gửi trong quý IV/2022 lên mức tăng 14%, gần gấp đôi tăng trưởng của thị trường”.
Theo số liệu của Techcombank, ngân hàng này có mức tổng tiền gửi đạt là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132,5 nghìn tỷ đồng.
Ông Phùng Quang Hưng -Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, TCB lựa chọn khẩu vị đầu tư thận trọng chắc chắn và đề cao phát triển bền vững. Về khả năng sinh lợi, TCB đề ra các mục tiêu hấp dẫn. Chẳng hạn nhìn vào chỉ số của các ngân hàng châu Á, không nhiều ngân hàng có thể duy trì chỉ số ROA trên 3%, ROE trung bình 20%, hay NIM ở mức 5% trong nhiều năm, như Techcombank đã làm được”.
“Hiện tỷ lệ đòn bẩy Techcombank ở mức thấp, nhưng ngân hàng không tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá. Huy động vốn môt cách đa dạng với chi phí thấp là chiến lược của Techcombank, điều đó gắn liền các cấu phần khác là ngân hàng giao dịch chính phục vụ khách hàng, đa dạng hóa nguồn thu, phục vụ nhu cầu toàn diện khách hàng… để đạt được mục tiêu tốt hơn”, ông Hưng chia sẻ.
Doãn Phong