Nhà tôi là hộ người Kinh duy nhất trong bản, nhưng sống lâu với núi, chúng tôi cũng dần quen phong tục nơi đây. Ăn rau rừng, uống nước suối, tắm nắng trời, tôi lớn lên da đen bóng, tóc khét giòn như bao đứa trẻ khác. Đứa trẻ nào mà chẳng thích Tết?
Xuân về, khi hoa pằng di thắp đỏ cả thung lũng như những hòn than đượm nhiệt, đàn chim nồng chếnh lại ríu rít rủ nhau về đậu chi chít trên mái ngói âm dương rêu ám. Cả gia đình tôi bắt đầu tất bật chuẩn bị cho một cái Tết đang đến thật gần. Bố con tôi tỉ mỉ chêm thêm đá dăm vào những khoảng hở trên hàng rào.
Chị tôi miệt mài rảo tay bên khung cửi lách cách đều đều. Mẹ tôi ngồi lom khom bên hiên, sàng sảy nếp nương để làm bánh chưng, bánh giầy. Tiếng sàng gạo rổn rảng thu hút những đôi cánh nồng chếnh khấp khởi bay lên lượn xuống. Và trên chiếc kiềng đen cháy, nồi nước lá rừng reo sôi lục khục. Tết đã về trong khoé bếp…
Nồng chếnh là loài chim tuềnh toàng, chẳng biết trau chuốt cho vẻ bề ngoài, từ mỏ đến chân rặt một màu nâu trầm mộc, hoà lẫn với màu ngói, màu lá khô, màu những hàng rào đá cong cong thâm u mưa nắng. Nhưng được cái, chim nồng chếnh thông minh hơn cả loài quạ, và dạn dĩ, thân thiện với con người.
Nắng lên, từng đôi nồng chếnh tíu tít tha cỏ khô về làm tổ dọc theo mái hiên, tạo thành một làng chim rộn rã. Tôi thích ngồi bên cửa sổ, thẩn thơ lắng nghe tiếng chim và mơ màng tưởng tượng nội dung những cuộc trò chuyện của chúng. Thầm nghĩ, hẳn chim nồng chếnh được sinh ra từ bầu trời, đợi xuân về là sà xuống nhà tôi chung vui dịp Tết.
Chim về càng nhiều thì năm ấy ruộng lúa, nương ngô càng được mùa. Năm nào mẹ cũng bảo, chim nồng chếnh năm nay đông hơn cả năm ngoái. Rồi mẹ cầu Giàng cho một năm mới sắn lợn ăn không hết, ngô gác bếp treo dày, lúa đổ đầy miệng chum, cỏ nuôi trâu béo ục…
Mấy ngày Tết, hoa pằng di càng đỏ, trời càng rét. Rét sắc như sợi cật nứa cứa trên da thịt. Những con chim nồng chếnh đứng co ro trên mái ngói, nhìn xa xăm. Bếp nhà tôi không lúc nào không đỏ lửa. Thịt lợn, thịt trâu treo gác bếp toả nồng mùi mắc khén. Những sợi khói lam nối nhau lên trời vẽ theo giấc mơ no ấm. Người được ăn Tết, chim cũng được ăn Tết.
Chiều chiều, mẹ lại mang những nắm tấm vụn rải bên hiên nhà. Mẹ dặn chúng, ăn đi các con, ra Giêng còn bắt sâu cho cây ngô, cây lúa. Bầy chim sà xuống nhặt nhạnh tưng bừng. Chúng vừa thong thả ăn, vừa nghiêng đầu mài mỏ xuống nền đất đánh dấu. Tôi nghĩ, đó là nghi thức của lòng biết ơn.
Phải chăng vì thế mà chưa bao giờ lạc đường hay lỗi hẹn, Tết nào, chim nồng chếnh cũng mang tín hiệu niềm vui về với bản làng chúng tôi. Người quý mến chim. Chim chung thuỷ với người. Tiếng chúng hót trong trẻo như chưa từng vướng bụi đời…
Thế mà cha tôi kể, để về được bản mình, chim nồng chếnh đã ngược gió, vượt mưa, bay qua những dòng sông buốt lạnh, những đỉnh núi mù sương cao vợi, nhiều con rã cánh kiệt sức, tan vào gió, hoá thành muôn triệu cánh hoa pằng di đỏ đến nhói lòng.
Thương bầy chim, mẹ đùm túm tấm ngô, tấm gạo để dành trong những chiếc chum sành nho nhỏ làm quà thiết đãi chúng những ngày Tết đến, xuân về.
Như cây cỏ mọc trên mái ngói nhà mình, tôi dần lớn lên theo những mùa chim hoài niệm. Sau này, khi bước ra đường đời xô bồ, hối hả ngoài kia, chợt nhận ra, mất mát và tổn thương là cái giá đầu tiên của hành trình kiếm tìm hạnh phúc.
Bao lần mỏi mệt, cứ muốn mượn một đôi cánh nồng chếnh, bay thật nhanh về nhà, ngồi bên hiên nghe bầy chim tâm sự, học lại cách sống chân thành. Chúng không biết thốt những lời hoa mỹ, càng chưa bao giờ nói dối một ai…
Vì nhiều lý do, gia đình tôi chuyển xuống phố huyện ở hẳn. Bố mẹ tôi không bán căn nhà ấy. Cứ đến tất niên hằng năm, tôi lại đi xe máy một mình, vượt những quãng đèo dài dốc cao bừng bừng sắc đỏ pằng di vào bản nhỏ, thăm nhà cũ, thăm bầy chim nồng chếnh của tôi.
Trên mái ngói âm dương thủng lỗ chỗ tàn tích nắng mưa, tiếng chim hót bâng khuâng như gieo từng giọt nhớ nao nao vào khoảng không gian im lặng phủ trùm bởi màu nâu xám quạnh hiu mà lửa hoa pằng di không cách nào sưởi ấm được.
Tôi ngồi khoanh chân bên thềm nắng, lắc rắc những tấm gạo trắng quanh mình, nhắm mắt đợi chờ. Bầy chim nồng chếnh nhận ra người thân, náo nức sà xuống nhặt tấm rồi hớn hở bay lên, mài mỏ đánh dấu trên vai tôi như thể tôi đã thuộc về thế giới của chúng nó. Bằng cách đó, tôi thấy mình được chữa lành, được hoà vào một khoảng lặng an nhiên, thanh tịnh…
Mùa chim giữ hộ tôi những khúc muộn phiền. Tôi gom những ký ức vào trái tim mình như cách mẹ tôi dụm dành tấm gạo, tấm ngô trong chiếc chum sành những ngày xưa ấy. Trước khi rời đi, tôi nhặt một mảnh đá sắc, đánh những dấu cộng lên hiên nhà. Bầy chim nhìn tôi, hót bằng cả niềm tin lấp lánh…
Người được ăn Tết, chim cũng được ăn Tết. Chiều chiều, mẹ lại mang những nắm tấm vụn rải bên hiên nhà. Mẹ dặn chúng, ăn đi các con, ra Giêng còn bắt sâu cho cây ngô, cây lúa. Bầy chim sà xuống nhặt nhạnh tưng bừng. Chúng vừa thong thả ăn, vừa nghiêng đầu mài mỏ xuống nền đất đánh dấu. Tôi nghĩ, đó là nghi thức của lòng biết ơn. |
Phan Đức Lộc
(Nhà văn)
Minh họa: Đỗ Dung