Ngày 3/3 âm lịch hàng năm, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên. Ở nhiều nơi, các gia đình còn làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng.
Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Dưới đây, VietNamNet xin gợi ý mâm cúng tết Hàn thực 2023 đầy đủ và chi tiết nhất:
Bánh trôi, bánh chay
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, mâm cúng tết Hàn thực không thể thiếu món bánh trôi bánh chay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết số lượng bánh trôi bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng tết Hàn thực.
Đúng phong tục cổ truyền, mâm cúng phải có 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.
Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Loại bánh này được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Hương, hoa, trầu cau
Trong lễ cúng dù to hay nhỏ, người Việt đều không thể thiếu nén hương, hoa tươi và trầu cau để trên ban thờ. Do vậy, vào ngày tết Hàn thực, mâm cúng cũng phải được bày biện đầy đủ những lễ vật kể trên.
Ly nước sạch
Mỗi lần thắp hương gia tiên, gia chủ đều không quên thay một ly nước sạch trên bàn thờ. Dịp tết Hàn thực cũng cần phải có một ly nước sạch.
Mâm ngũ quả
Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím... để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.
Ngoài ra, dịp tết Hàn thực, các gia đình không cần chuẩn bị mâm cỗ linh đình mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, bánh chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên.
Đồng thời, trong lúc thắp nhang, gia chủ nên đọc văn khấn cúng tết Hàn thực và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
(Tổng hợp)