Cuối con ngõ nhỏ số 6 Đinh Liệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một khu vườn xanh mát và căn biệt thự cổ mang vẻ đẹp của phong cách kiến trúc Pháp pha lẫn kiến trúc đình làng Việt cổ.
Chủ nhân của căn biệt thự là vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và Phạm Thị Tề. Những năm 40 của thế kỷ trước, đây là nơi ở của gia đình, đồng thời là nơi chứng kiến việc buôn bán tấp nập của tiệm vàng Sư Tử.
Ban đầu khu biệt thự có tổng diện tích hơn 700m2. Trải qua thăng trầm của lịch sử, căn biệt thự vườn còn lại hơn 300m2, hiện là nơi sinh sống của các con, cháu cụ Thanh.
Những ngày giáp Tết, trái ngược với sự hối hả của dòng người đang mua sắm ngoài phố, những người sống trong khu biệt thự vẫn giữ được sự thư thái, an nhiên.
Bên chiếc bàn đặt giữa vườn cây xanh mướt, nhắc đến Tết, ông Phạm Ngọc Giao (SN 1941) - con trai trưởng của cụ Thanh bỗng chốc hồi hồi: "Tết luôn là điều thiêng liêng đối với chúng tôi".
Những năm 40 của thế kỷ trước, bố mẹ ông Giao là những người nổi tiếng trong giới lọc vàng. Việc kinh doanh rất phát đạt nên càng gần Tết, công việc càng bận rộn. Thế nhưng, trước Tết bố ông Giao vẫn dành một buổi để đưa các con đi mua sắm.
Trong buổi mua sắm đó, các con được mua bất cứ thứ gì mình muốn với điều kiện chỉ được chọn 1 đến 2 món. Sau đó, mấy bố con cùng nhau đi chợ hoa trên phố Hàng Lược.
Ở nhà, cụ Tề - mẹ ông Giao dù có nhiều người giúp việc nhưng vẫn tự tay gói bánh chưng, chuẩn bị thực phẩm để những ngày Tết có mâm cỗ tươm tất.
Ông Giao hoài niệm, mâm cỗ của gia đình ông ngoài các món ăn truyền thống của người Hà Nội như nem, chả, bánh chưng, giò, cá kho còn có các món đặc biệt mà đến giờ, ông vẫn không thể quên được hương vị của nó.
Ông Giao kể: “Tôi nhớ nhất món canh bóng tôm bao của mợ (mẹ - nv). Mợ chọn loại tôm nõn, sau đó giã tay, trộn với bột nếp, nấm hương, cho vào khuôn để tạo thành các hình thù khác nhau rồi dùng nước luộc gà nấu lên.
Một món nữa là món măng tây nhập của Pháp. Món này nấu với cua bể, ăn ngon không tưởng và đã ăn một lần thì không thể nào quên được”.
“Nhưng sẽ là rất thiếu sót nếu như trong mâm cơm ngày Tết lại thiếu đi bát nước mắm cà cuống”, ông Giao nói tiếp. Những năm 40 - 50, cứ gần Tết, người bán hàng lại đội trên đầu một thúng cà cuống đã hấp chín rồi rao bán khắp phố.
“Cậu mợ tôi thường mua vài trăm con rồi lấy từ cà cuống ra hai bọc tinh dầu. Sau đó, cậu mợ chiết tinh dầu vào một chiếc lọ để dùng dần. Mỗi bát nước mắm chỉ cần một vài giọt tinh dầu cà cuống là vị đã thơm, ngon vô cùng”, ông Giao nhớ lại.
Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy nên những háo hức về Tết để được ăn, chơi đã không còn. Ông Giao cho biết, Tết nay trong gia đình ông lấy đoàn tụ là chính. Các thành viên dù ở xa đến đâu cũng phải về đoàn tụ chiều 30 Tết, cùng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, nhớ về nguồn cội.
Sau đó, cả nhà sẽ cùng ăn với nhau bữa cơm tất niên; cùng nói chuyện, tâm tình, rũ bỏ tất cả những gì còn tồn đọng, vướng víu trong năm cũ; truyền cho nhau động lực hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn.
Sau bữa cơm đoàn tụ, nhiều năm liền, ông Giao chọn đi du lịch nhằm thư giãn, mở mang tầm mắt về thế giới và tiếp nhận những năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới hạnh phúc, bình an.
“Tôi đã du lịch hơn 20 quốc gia và nhiều danh lam thắng cảnh ở Việt Nam. Năm nay, sức khỏe kém hơn nên tôi không có điều kiện đi nữa. Thay vào đó, tôi sẽ dành thời gian cho những sở thích nho nhỏ khác như gặp gỡ bạn bè, chăm sóc vườn cây hoặc nghiên cứu thêm về những bài thuốc nam dược …”, ông Giao nói, mắt ánh lên vẻ an nhiên, tự tại.