Người ta bảo "vui như Tết" thực ra là nói không khí náo nức, nhộn nhịp của những ngày trước Tết. Như nhà tôi ở Yên Phụ (Hà Nội), con phố nhỏ ngay cửa ô, vào dịp giáp Tết, cứ mở cửa ra là thấy Tết.
Ngày này những dòng hoa, dòng cây đầy màu sắc tuôn hối hả từ ngoại thành vào nội thành suốt từ tờ mờ sáng cho đến gần đêm mới dứt và dứt hẳn thì phải đến tận sau buổi tối ngày 30.
Sáng mùng 1 mở cửa, đường sá vắng tanh, xác pháo rải đầy hè phố. Nhìn cảnh đó biết là Tết đã qua và người cứ nao nao nuối tiếc như đã qua đi một niềm vui không bao giờ trở lại.
Hơn hai chục năm nay sống nơi xứ người, cái háo hức Tết đến, xuân về cứ vơi hao dần dần.
Berlin, Đức - những ngày đầu năm 2022 |
Thông thường vào dịp Tết, bên này tuyết phủ trắng trời, lạnh cắt da, cắt thịt chứ đâu có mưa xuân rây rây như rắc bụi, vừa đủ se se như ở nhà. Nhịp sống thì vẫn hối hả đến sôi sục vì có ai được nghỉ đâu. Có thể vì thế mà cảm giác về Tết cứ mất dần theo năm tháng.
Tết Nguyên đán là Tết của mình, của người Việt, không phải Tết của... Tây, nên ngoài đường chẳng có tý nào quang cảnh Tết. Không có những cây thông khủng treo đầy những ngôi sao sáng hơn sao trời. Không giăng đèn, kết hoa, không băng rôn, khẩu hiệu, tưng bừng như bây giờ người ta thường khoác cho những con phố ở Hà Nội mỗi dịp Tết đến.
Ở Đức, chỉ duy nhất một nơi có không khí Tết - đấy là khu bán hàng châu Á trong trung tâm buôn bán của người Việt - mà cộng đồng ở đây thường gọi là chợ. Chợ người Việt ở đây to nhất Berlin, nhất nước Đức, tên gọi là chợ Đồng Xuân.
Ai đó đã mang cái tên Đồng Xuân ở Hà Nội sang đây, đặt cho cái chợ này. Hẳn cũng có ngụ ý để cộng đồng người Việt cảm thấy gần hơn với Tổ quốc.
Chợ Đồng Xuân đã có ở Hà Nội cả trăm năm nay, chả mấy ai bỏ công tìm hiểu tên gọi đó có ý nghĩa gì. Nhưng sang Đức, bạn bè Đức hỏi ý nghĩa của cái tên đó, thì người Việt ta giải thích: Đồng Xuân có nghĩa là “Cánh đồng mùa xuân“. Các bạn nghe thấy thế thì tỏ vẻ thú vị lắm. “Cánh đồng mùa xuân“ ở Đức đích thị là cái chợ - một cái chợ Việt.
Bánh chưng được bày bán ở chợ Đồng Xuân, Berlin, Đức. |
Ở đây, cái gì cũng có, y hệt chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, nhất là vào dịp Tết. Người ra kẻ vào cũng nhộn nhịp, tấp nập không kém từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa. Hàng hóa ê hề từ đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem, bún, phở... đến đồ tươi sống như lòng, mề, tim, gan, gà tươi, cá còn đang bơi trong bể... Nhưng nhiều nhất vào dịp Tết là giò, chả, bánh chưng. Đủ các loại. Loại làm tại Đức, tại Pháp, tại các nước châu Âu, loại nhập từ Việt Nam bày thành đống có ngọn trên các mặt bàn rộng ngay cửa ra vào các cửa hàng châu Á.
Ngày thường cũng vậy, chẳng thiếu gì, kể cả bánh chưng. Y như trong nước, bánh chưng có bán quanh năm. Nhưng chỉ có hai thứ được bán thêm vào dịp Tết âm lịch là mứt và cành đào. Mứt được bày nhiều và bày ngay ở vị trí trung tâm của gian hàng. Còn đào được cắm trong những bồn nước to tha hồ chọn.
Gần Tết, chợ Đồng Xuân có thêm mứt và cành đào. |
Năm nào tôi cũng mua vài cành về cắm. Tết thì phải có đào, không có đào còn gọi gì là Tết. Nhưng ở đây chỉ có đào phai bông nhỏ, cánh mỏng, chứ không bao giờ kiếm nổi một cành đào bích Nhật Tân hoa to, cánh dầy, đỏ như xác pháo. Cả cành cũng thế, thẳng đuột như cành lay ơn chứ không ngang dọc, gân guốc đầy sinh lực như cành đào ở nhà.
Nhiều người cả năm chẳng bao giờ lai vãng đến chợ Đồng Xuân, vì ngại đường xa và vì đồ châu Á bao giờ cũng đắt hơn hẳn đồ châu Âu bán trong các siêu thị gần nhà, nhưng đến ngày 30 tháng Chạp vẫn lọ mọ tàu xe từ sớm vào chợ, mua cái bánh chưng, con gà về thắp hương gia tiên đêm giao thừa.
Gà hay bánh chưng thực ra không nhất thiết phải đến tận “Cánh đồng mùa xuân“ mới mua được, cái chính là để hưởng chút lao xao, chộn rộn, chen vai thích cảnh mua mua sắm sắm cho vơi đi nỗi nhớ nhà.
Lâu lắm rồi tôi chưa thật sự hưởng một cái Tết quê hương, gia đình với đúng với nghĩa của nó. |
Ở bên này cũng còn có một cách để người ta như thấy được sẻ chia không khí Tết ở quê nhà - đấy là xem VTV- Đài Truyền hình Việt Nam.
Tết năm ngoái lần đầu tiên ở chỗ làm của vợ chồng tôi có Internet. Trước giao thừa mấy anh em mở VTV ra xem chương trình cầu truyền hình. Thấy không khí đón xuân náo nức rộn ràng ấm cúng trong nước mà háo hức, bồn chồn, thèm muốn đến nghẹn thở. Đành phải tắt đi và tự bảo với mình sẽ không bao giờ xem nữa. Càng xem càng nhớ, càng xem càng thấy cái khoảng cách từ đây về Việt Nam, về Hà Nội, về nhà xa thật là xa.
Tôi nhận ra đã lâu, lâu lắm rồi mình chưa thật sự hưởng một cái Tết quê hương, gia đình với đúng với nghĩa của nó. Cũng một phần bởi hoàn cảnh, công việc bận rộn. Phần nữa giá vé máy bay bay về vào dịp Tết đắt gần gấp đôi giá vé ngày thường. Nên thôi, đã không về được để hưởng chính cái không khí Tết quê hương thì đừng nhìn qua màn hình TV cho thêm thèm, lòng lại nhói đau. Cũng như một cuộc tình dù đẹp đã qua đi, đừng thỉnh thoảng ngoái nhìn cho thêm nuối tiếc...
(Còn nữa)
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Nồi bánh chưng ngày Tết
Vào những ngày giáp Tết khoảng sân chung đó ồn ào và nhộn nhịp suốt từ sớm đến tận đêm khuya. Chỗ này vo gạo chỗ kia đãi đỗ. Rồi chuyện trò, rồi tranh cãi, rồi trêu chọc... đúng là vui như Tết.