Những ngày đầu về phép Việt Nam và những ngày đầu từ Việt Nam trở lại Đức bao giờ tôi cũng bị lẫn. Lẫn lộn thời gian. Lẫn lộn cảm giác. Lẫn lộn tiền. Lẫn lộn thói quen tham gia giao thông... Cứ ở Việt Nam lại nghĩ mình đang ở Đức. Đã về đến Đức lại ngỡ mình vẫn đang ở Việt Nam. Vì trái giờ, lúc người ta đi ngủ, mình còn thức nhơn nhơn. Lúc người ta đi chơi, đi làm, mình lại ngủ vùi ngủ dập.

Đang nằm lơ mơ nghĩ, hôm nay mình phải đi làm, rồi phải mua hàng gì, đặt hàng gì? Bỗng nghe thấy còi xe tí toét, tiếng hàng quà rong rao ông ổng, bừng tỉnh, thấy mình đang nằm trong khách sạn ở Hà Nội. Ôi, vui mừng không kể xiết.

Rồi cũng vẫn trạng thái mơ mơ màng màng, đang tính rủ đứa này đi chơi chỗ nọ, mời đứa nọ đi ăn chỗ kia. Bỗng thấy yên ắng quá. Giật mình tỉnh dậy, hóa ra đang nằm cùng giường với vợ. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy những con quạ đen và một màu tuyết trắng. Ngao ngán không tả nổi.

Về Việt Nam nếu ai hỏi: Bên ấy anh làm nghề gì? Tôi chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Gặp người nhà riết róng quá thì đành nói chung chung: Tự kinh doanh. Riết róng quá nữa thì nói: Kinh doanh nhà hàng. Nghe vẫn thật lại không mang tiếng là “nổ". Chẳng nhẽ lại nói toẹt là mình vất vả khổ sở, thức khuya dậy sớm ra sao? Bây giờ mọi người ở nhà đều biết Việt kiều, đặc biệt Việt kiều Đức, vất vả khốn khó để kiếm tiền, và cũng chặt chẽ trong tiêu pha như thế nào.

Nhưng với người thân mình không nỡ nói hết cho mọi người cám cảnh. Vả lại, nếu mình có biếu chút quà, dù quà chỉ có giá trị ở tấm lòng, thì người nhận cũng không đến nỗi phải ngậm ngùi.

Và về Việt Nam ăn Tết, nếu ai đó hỏi: Ở bên đó người Việt mình ăn Tết như thế nào? Tôi cũng chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Gặp người chi tiết quá thì đành nói: Ở nhà mình có gì, bên đó cũng có cả. Nào bánh chưng, mứt Tết, nem, bóng, giò, chả. Chẳng thiếu thứ gì. Quả thật là chả thiếu thứ gì. Nhưng đấy chỉ là ăn, không phải Tết.

Cái thiêng liêng, hồn cốt nhất của Tết cổ truyền nằm ở thời khắc giao thừa. Ở Việt Nam là ‪lúc 12h đêm 30 tháng Chạp. Đó là thời khắc tống cựu nghinh tân. Năm cũ qua đi năm mới đến. Thời khắc đó dù chỉ diễn ra trong tích tắc nhưng cùng lúc cả không gian, thời gian, cả thiên nhiên cây cỏ đến con người đều thay đổi.

{keywords}
Con dâu và cháu nội tôi bên mâm cơm cúng giao thừa tại Berlin.

Ngày xưa, khi còn giàu trí tưởng tượng, vào lúc giao thừa tôi đã đứng một mình trong cái ngõ tối hun hút của xóm, rồi dang rộng hai tay. Khi tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ, tôi nhắm mắt lại và cảm giác năm mới giống như nguồn sáng bắt đầu chạm vào ngón trỏ bàn tay bên trái và đẩy lùi dần bóng tối của năm cũ đang đọng lại bên cánh tay phải. Cho đến khi cả người tôi như sáng bừng, đấy là thời điểm năm mới đã tới trọn vẹn. Cảm giác đó đến trong tôi rất rõ. Thậm chí, nó khiến tôi nổi gai khắp người.

Mặc dù lúc mở mắt, xung quanh vẫn ngập trong bóng tối. Nhưng không khí thật thoáng đãng dù đã pha đậm khói pháo thơm nồng.

Trong khi đó, thời khắc Việt Nam đón giao thừa thì ở Đức mới là 6h tối. Nhịp điệu cuộc sống ‪lúc 6h tối‬ ở một đất nước công nghiệp hàng đầu như nước Đức cộng với đồng hồ sinh học ở mỗi con người cũng vào thời điểm đó, dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng chẳng cảm thấy bất kì một rung động giao hòa cũ, mới nào cả.

Nói cho nhanh, giao thừa là thời khắc thiêng liêng chỉ của người Việt và phải ở trên đất Việt, chứ còn người mang hồn Việt đang ở trên đất Đức thì dù có muốn đến đâu đi nữa, vào giờ đó cũng chẳng rảnh rang để tâm trí được phiêu diêu cùng sông núi, đất trời. Đơn giản vì đó đang là giờ làm việc.

Thế nên, có một điều tưởng như cực kì đơn giản là muốn chọn một người hợp tuổi, mời họ xông nhà vào đúng thời khắc giao thừa, tôi cũng chưa năm nào làm được. Người ta cũng như mình, giờ đó đâu có rảnh rang quần là, áo lượt, tiền mới phẳng phiu đầy túi để đi xông nhà, chúc Tết. Thế là năm nào cũng vậy, vào trước lúc giao thừa ít phút tôi đành phải đẩy thằng con ra ngoài cửa, sau phút giao thừa lại lôi nó vào xem như có người xông đất cho lành.

Thằng con lớn học xong, đi làm cũng bận rộn thì lôi thằng con bé. Từ 6 tuổi nó đã tự xông đất cho nhà mình, đến giờ đã 16 tuổi, ngộc nghệch cao gần mét tám mà vẫn chẳng hiểu tại sao phải làm thế. Có giải thích nó cũng chẳng hiểu.

Lớp người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở Đức trong tương lai đa số sẽ là lớp người mất gốc. Vì tiếng là con của bố Việt, mẹ Việt nhưng vừa đẻ ra, theo luật, hầu hết nghiễm nhiên mang quốc tịch Đức. Lớn lên thì nói tiếng Đức, học trường Đức. Thích ăn bánh mì hơn ăn cơm. Xem việc cắt tiết gà, ăn trứng vịt lộn là hành động man di, mọi rợ. Giờ đã thế mong gì sau này ngày Tết có vài nén hương, ngày giỗ có mâm vàng mã.

Có năm sau giao thừa, thằng con bé của tôi rủ mấy thằng bạn cùng học mắt xanh, mũi lõ về nhà chơi. Thấy con gà đã luộc chín vẫn để nguyên đầu, mỏ còn điệu đàng ngậm bông hoa hồng đỏ chót, thoạt đầu chúng nó ngỡ ngàng, rồi chụp ảnh lia lịa, hôm sau về khoe ở lớp.

Cả đám Tây con chưa bao giờ nhìn thấy con gà đã bị làm thịt mà để nguyên đầu, mỏ lại còn ngậm bông hoa, thảy đều cười ngả cười nghiêng, khiến cô giáo phải đập bàn giải thích đấy là tập tục phương Đông, lớp mới trật tự ngồi học.

{keywords}
Gần Tết, khu chợ người Việt ở Đức bán đủ bánh mứt, hoa đào... 

Hơn 20 năm ở nước Đức tôi chưa một lần được cùng gia đình đoàn tụ ấm áp bên mâm cơm cúng tổ tiên vào giờ giao thừa. Mặc dù vợ chồng, con cái vẫn ở cùng một nhà chứ có xa xôi cách trở gì đâu.

Thời đi làm thuê, giao thừa còn bục mặt làm cho chủ: Chồng chủ Tầu, vợ chủ Nhật. Mươi năm nay nhà có cửa hàng. Giao thừa vợ thắp hương ở nhà. Chồng thắp hương ở quán. 12h đêm, tức là đã sau giao thừa 6 -7 tiếng, quán đóng cửa, chồng mới thất thểu lê bước về nhà. Chân tay rã rời, người ngợm sực mùi dầu mỡ.

Vào đến nhà con đã ngủ từ lâu. Vợ đang ngáp dài bên mâm cơm cúng giao thừa. Đến bông hoa cắm trên mỏ con gà đặt ở giữa mâm cũng héo rũ nói chi đĩa bóng xào chân tẩy nấm hương không thâm đen, bát canh miến nấu lòng gà không nguội tanh, đặc như bánh đúc.

Chẳng riêng gì nhà mình, nhìn quanh anh em, bạn bè cũng đều thế cả. Cũng chẳng riêng gì nghề làm quán, mấy nghề đặc trưng của dân Việt tại Đức cũng vậy. Từ nghề bó hoa, bán quần áo, bán hoa quả đến nghề mới nhất - nail - cũng chẳng ai đóng cửa ‪lúc 6‬h tối để về nhà đón giao thừa.

Chẳng riêng gì Tết nhất, từ sinh nhật vợ, sinh nhật chồng đến sinh nhật con; từ kỷ niệm ngày cưới hay giỗ ông, giỗ bà tất tật đều chờ vào cuối tuần. Không tổ chức vào cuối tuần thì chẳng có ai đến. Quang Trung ngày xưa cho quân sỹ ăn Tết sớm đã làm nên chiến công Ngọc Hồi, Đống Đa lừng lẫy, đập tan hơn hai mươi vạn quân Thanh. Ngày nay cộng đồng người Việt ở khắp năm châu, bốn bể ăn Tết sớm, Tết muộn lại chỉ vì miếng cơm, manh áo.

{keywords}
Nơi xứ người, tôi luôn nhớ cái Tết ở Hà Nội. 

Những ngày về Việt Nam, nhất là vào dịp Tết, dù ở đâu: Hà Nội, TP.HCM hay Nam Định, Thanh Hóa, Vinh; dù vào thời điểm nào: sớm, trưa, chiều, tối, thậm chí đêm, quán nhậu vẫn là nơi đông người nhất.

Nhiều khi trong chuếnh choáng men say, trong ầm ào tiếng người, tiếng nhạc nơi quán nhậu, tôi cứ tự hỏi: Không biết người mình ở nhà làm gì mà dư dả tiền bạc, rộng rãi thời gian như thế? Chẳng bù cho dân mình nơi đất khách.

Câu hỏi mãi chưa có lời đáp. Vẫn biết bên cạnh đó còn nhiều, rất nhiều những mảnh đời cơ cực. Nhưng dẫu nghèo thế nào người ta vẫn đoàn tụ bên nhau, ấm áp giây phút giao thừa.

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về vì lòng mình còn quá nhiều khao khát không được toại nguyện nên sinh ra tâm lý so sánh, suy bì. Cứ cho là người mình ở quê hương sung sướng hơn người mình ở hải ngoại, có ai giữ đâu, tại sao lòng ta còn lấn cấn mãi chưa định ngày trở về?

Hùng Lý (từ Berlin, CHLB Đức)

Tết xứ mình, Tết xứ người: Đêm giao thừa lặng lẽ

Kỳ 2: Tết xứ mình, Tết xứ người: Đêm giao thừa lặng lẽ

Giao thừa năm đó tôi và mẹ ngồi lặng bên nhau. Ngoài phố không rộn ràng pháo nổ, chẳng ríu rít tiếng trẻ nô đùa như năm nảo năm nào.

Tết xứ mình, Tết xứ người

Kỳ 1: Tết xứ mình, Tết xứ người

Trước giao thừa, mấy anh em mở VTV ra xem chương trình cầu truyền hình. Thấy không khí đón xuân náo nức rộn ràng ấm cúng trong nước mà háo hức, bồn chồn, thèm muốn đến nghẹn thở.