Nằm cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 120km, thác Tà Puồng (ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất tỉnh Quảng Trị, đặc biệt vào mùa hè.
Nơi đây sở hữu khung cảnh hoang sơ, xanh mát với nhiều hoạt động “giải nhiệt”, mang lại cho du khách cảm giác được “chữa lành”, hòa mình vào thiên nhiên.
Du khách tới thác Tà Puồng "giải nhiệt". Nguồn: Hoài An
Theo Cổng thông tin điện tử của Cục Du lịch Quốc gia, thác Tà Puồng là một cụm danh thắng gồm 1 động và 2 thác nước, nằm ở phía tây tỉnh Quảng Trị.
Động Tà Puồng tọa lạc ở vị trí trên cao, ăn sâu vào lòng núi khoảng 200m với chiều rộng chừng 10m. Bên trong động khá tối và ẩm ướt, sức chứa trên dưới 200 người. Lòng động được chia thành 2 phần: Suối và bãi cát bồi, gây ấn tượng với du khách bởi hệ thống thạch nhũ tuyệt đẹp.
Nằm cách động Tà Puồng khoảng 1,5km về phía hạ lưu là thác Tà Puồng 1, cao chừng 20m, chảy từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách đá thẳng đứng.
Dưới chân thác có nhiều tảng đá lớn hình dạng độc đáo, được du khách lựa chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, tổ chức tiệc dã ngoại và thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên.
Cách thác Tà Puồng 1 về hạ lưu khoảng 1,5km là thác Tà Puồng 2. Dưới chân thác là hồ nước rộng chừng 5.000m2, nước xanh trong vắt, có thể nhìn thấy đáy. Đây cũng là khu vực được nhiều du khách yêu thích, tìm tới bơi lội, vui chơi, chèo SUP...
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Hoài An (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị) cho biết, tổ mô hình quản lý du lịch cộng đồng thôn Trăng Tà Puồng đang khai thác du lịch, tổ chức đón khách tại thác Tà Puồng.
Tới đây, ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp và bơi lội, du khách có thể tham gia một số hoạt động rèn thể lực như chèo SUP, chèo thuyền tre, trekking, leo núi… hoặc tham quan động Tà Puồng cách đó không quá xa.
Theo anh Hoài An, không chỉ có động Tà Puồng và hai thác nước, khu vực này còn nhiều điểm đến đẹp và hoang sơ khác như: đèo Sa Mù, động Brai, nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn...
Nếu có dịp đến thác Tà Puồng, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản bản địa với nhiều món ngon như măng rừng, mẹt gà lên mâm… do chính đồng bào ở đây chế biến.
Để đến được thác Tà Puồng, từ thành phố Đông Hà, du khách di chuyển theo Quốc lộ 9 (hành lang kinh tế Đông - Tây) khoảng 60km đến thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh, đi tiếp khoảng 50km nữa tới trung tâm xã Hướng Việt.
Từ đây, du khách di chuyển thêm vài cây số đến thôn Trăng Tà Puồng và đi tiếp khoảng 800m là tới thác.
Nhiều du khách từng đến đây, dù quãng đường di chuyển khá xa nhưng cảnh vật dọc hai bên đường đẹp nên thơ làm xua tan hết mệt mỏi, với những nếp nhà sàn yên bình của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều hay cánh rừng nguyên sinh.
“Đến đây, du khách cần lưu ý không vứt rác bừa bãi, phải dọn dẹp vệ sinh trước khi ra về và mặc áo pháo khi bơi lội. Khoảng cách từ điểm giữ xe vào thác khá xa nên du khách cũng cần đảm bảo sức khỏe ổn định, trang bị giày bám tốt,…”, anh An nói.
Để đảm bảo an ninh trật tự và thu hút khách du lịch tới thác Tà Puồng, UBND xã Hướng Việt đã huy động công an, dân quân tự vệ thường xuyên đi tuần đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền cho du khách để rác đúng nơi quy định, không đốt lửa để phòng chống cháy nổ; đồng thời vận động các hộ dân trong thôn Trăng Tà Puồng tích cực giúp đỡ, hỗ trợ chỉ dẫn đường đến thác cho du khách.
Bên cạnh đó, đơn vị khai thác du lịch tại thác Tà Puồng cũng luôn cử người túc trực ở hồ nước dưới thác, phát áo phao cho du khách, ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Ảnh: Hoài An