Theo hãng tin Reuters, France24 và Công báo Hoàng gia Thái Lan, trước đó Vua Maha Vajiralongkorn đã phê chuẩn sắc lệnh giải tán Quốc hội. Theo quy định, bầu cử phải được tổ chức trong vòng 45 tới 60 ngày sau khi Quốc hội giải tán.
Sắc lệnh ghi rõ: "Đây là việc trả lại quyền quyết định chính trị cho người dân một cách nhanh chóng để tiếp tục chính phủ dân chủ với Nhà vua là người đứng đầu nhà nước".
Hiện, ngày bỏ phiếu chưa được Ủy ban bầu cử ấn định song Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam sáng sớm nay nói, bầu cử có thể được tổ chức vào ngày 7/5 hoặc 14/5 nếu Hạ viện giải tán vào 20/3.
Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ hai kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Chiến dịch vận động bầu cử không chính thức đã bắt đầu từ nhiều tuần qua với các vấn đề chính được đề cập gồm chi phí sống tăng, đất nước phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19.
Cuộc bầu cử sắp tới được cho là trận chiến chính trị kéo dài giữa gia đình tỷ phú Shinawatra và phe ủng hộ quân đội và hoàng gia. Theo các cuộc thăm dò dư luận, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Paetongtarn Shinawatra hiện là ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng. Kết quả khảo sát được công bố cuối tuần qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của Paetongtarn Shinawatra tăng 10 điểm, lên 38,2%.
Cuộc thăm dò do Viện quản lý phát triển quốc gia tiến hành cho thấy, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đứng thứ 3, với 15,65% số phiếu ủng hộ. Ông Chan-O-Cha, 68 tuổi, nắm quyền từ năm 2014.
Theo Hiến pháp do quân đội Thái Lan soạn thảo vào năm 2017, Thủ tướng do 500 hạ nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ bầu chọn.
Paetongtarn Shinawatra cuối tuần qua cho biết, cô tự tin sẽ giành thắng lợi lớn. Nếu thành công, Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, sẽ là người thứ ba của nhà Shinawatra trở thành Thủ tướng.