Việc tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt được Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đánh giá là 1 trong 3 nhiệm vụ mang lại kết quả tích cực, nổi bật cho địa phương trong năm 2022. Việc hoàn thành vượt chỉ tiêu “Chợ 4.0” cũng vừa được Sở TT&TT Thái Nguyên chọn là 1 trong 10 kết quả nổi bật của lĩnh vực TT&TT tỉnh này trong năm vừa qua.
Mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt được tỉnh Thái Nguyên thí điểm tại chợ trung tâm của huyện Đại Từ từ tháng 4/2022. Đây cũng là khu chợ đầu tiên của địa phương trở thành "khu chợ số" với nền tảng là Mobile Money, dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn thí điểm, từ tháng 10/2022, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” trên toàn tỉnh. Kế hoạch đặt mục tiêu đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên có tối thiểu 60 Chợ 4.0, tại các chợ trong phạm vi triển khai sẽ có 100% các tiểu thương, hộ kinh doanh được trang bị quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và mỗi chợ đưa được tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử; 100% các chợ theo danh sách đăng ký thực hiện thu các khoản thu bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Tỉnh Thái Nguyên cũng kỳ vọng việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” sẽ từng bước mở ra một kỷ nguyên mới với làn sóng chuyển đổi số, đưa công nghệ số len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trong thông tin mới cập nhật, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến ngày 26/12/2022, toàn tỉnh đã xây dựng được 80 “Chợ 4.0”, vượt 33,33% so với kế hoạch.
Cùng với đó, 100% tiểu thương, hộ kinh doanh đã được hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng số, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; tạo QR Code và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho gần 4.000 tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ.
100% các chợ đăng ký triển khai “Chợ 4.0” đã thực hiện thu các khoản thu như phí điện nước, thuê vị trí... bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tất cả tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ này cũng đã được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, các huyện, thành phố đều đã tổ chức các buổi ra quân triển khai “Chợ 4.0”. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và các lực lượng như Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, với nòng cốt là các Tổ công nghệ số cộng đồng đã ra quân tuyên truyền về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo QR Code, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương và các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn.
Từ kinh nghiệm triển khai tại địa phương, đại diện Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai mô hình chợ không dùng tiền mặt trên địa bàn hiện vẫn gặp một số khó khăn, trong đó có việc đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, có tâm lý e dè khi sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch thanh toán. Do đó, việc thay đổi thói quen cần phải có thời gian.
Một khó khăn nữa là số lượng người dân am hiểu và sử dụng thiết bị công nghệ số chủ yếu là ở giới trẻ. Trong khi đó, một số tiểu thương tại các chợ đã lớn tuổi, còn gặp khó khăn trong sử dụng điện thoại thông minh hoặc không sử dụng điện thoại thông minh nên có tâm lý không muốn sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích tiểu thương dùng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế.
Sở TT&TT Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại kế hoạch nhân rộng mô hình “Chợ 4.0”.
Sở TT&TT cũng đề nghị trên cơ sở phối hợp của BIDV - chi nhánh Thái Nguyên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn có kế hoạch phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai, cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích tương ứng.
“Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông cần có chính sách hỗ trợ về gói cước mạng di động băng rộng cho tiểu thương, cung cấp mạng Wi-Fi miễn phí tại các chợ đang triển khai để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng”, đại diện Sở TT&TT Thái Nguyên nêu đề xuất.