Đây là một trong 5 nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội đề ra 5 nhiệm vụ với những yêu cầu, nội dung công việc và phân công trách nhiệm, thời gian thực hiện cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Nhiệm vụ 1: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Trong đó gồm các nhiệm vụ cụ thể: Lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên tất cả các mặt lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Đồng thời xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đề án đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội; Đề án đổi mới cơ chế bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Với nhiệm vụ này, Đảng đoàn Quốc hội lưu ý yêu cầu luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ giữa văn bản của Đảng với pháp luật của Nhà nước.
Nhiệm vụ 3: Tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Liên quan nội dung này, tháng 12/2022, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về nội dung này. Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu rà soát các nội dung, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Nếu thấy chưa đầy đủ thì tiếp tục cập nhật, tích hợp vào tờ trình và dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Các cơ quan, cá nhân được phân công phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục tham gia ý kiến trong quá trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Quy định về nội dung này.
Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân.
Nhiệm vụ 5: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội.
Với nhiệm vụ này, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu rà soát, bổ sung, tích hợp các nội dung, yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tổng kết thực tiễn thi hành Quy chế làm việc của Đảng đoàn Quốc hội,… để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới theo đúng yêu cầu.
Đảng viên không được thâu tóm quyền lực, không đòi thực hiện xã hội dân sự
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm gồm 19 điều.