Nhiều bạn trẻ ở TP. Thái Nguyên thường xuyên dùng hình thức thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng điện tử bằng mã QR. |
Đã thành thói quen, cứ mỗi lần đi chợ hay đến cửa hàng, siêu thị, chị Nguyễn Thị Thúy ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) lại sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại để quét mã QR thanh toán. Chị chia sẻ: Hai năm qua tôi đã sử dụng thanh toán bằng hình thức này thấy rất tiện lợi, không phải mang tiền mặt theo nên cũng rất yên tâm.
Không riêng chị Thúy, nhiều người dân, tiểu thương huyện Đại Từ đã tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mã QR được đặt tại các quầy hàng, cửa hiệu để thuận tiện cho người đi chợ thanh toán những đơn hàng từ lớn tới nhỏ. Bà Đào Thị Nhàn, tiểu thương hơn 10 năm bán hàng tại chợ trung tâm huyện Đại Từ, cho biết: Trước kia, tôi cứ phải đếm tiền lẻ, chốt tiền sau mỗi ngày bán ở chợ về. Giờ rất nhiều người chuyển khoản khi thanh toán, nên tôi chỉ cần xem tổng tiền trong tài khoản mỗi ngày là biết thu được bao nhiêu. Tiền nhập hàng tôi cũng chuyển khoản nên việc quản lý tiền nhập/bán hàng rất chính xác, tiện lợi.
Dù là huyện miền núi, nhưng Đại Từ hiện là một trong những địa phương triển khai tốt hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ðến nay đã có trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn áp dụng mã QR để thanh toán; 100% công chức, viên chức cài đặt và sử dụng thường xuyên dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% chợ trên địa bàn triển khai mô hình chợ 4.0; 70% người lao động trong độ tuổi được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến cơ sở đã thực hiện 100% việc chi trả lương và các chế độ thanh toán thông qua chuyển khoản…
Còn với khu vực đô thị như TP. Thái Nguyên, nơi có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số thì việc thanh toán không dùng tiền mặt đã dần phủ khắp địa bàn. Buôn bán nhiều năm trên tuyến đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), chị Trần Hương Giang, cửa hàng tạp hóa Minh Ngôn, cho biết: “Giờ mọi người quen với thanh toán không dùng tiền mặt. Không chỉ với đơn hàng lớn, mà có khi mua món đồ trị giá vài nghìn đồng, người mua cũng quét mã QR để thanh toán.
Qua khảo sát của chúng tôi, người dân Thái Nguyên đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức như: Internet banking, E-banking, Mobile banking, ATM, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng… Phổ biến nhất là hình thức thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng điện tử bằng mã QR.
Cùng với đó, các loại ví điện tử như: Momo, Moca, Zalo Pay, Viettel Money, Shopee Pay… mang lại sự tiện lợi trong thanh toán cũng dần thay thế những chiếc ví tiền truyền thống. Các loại ví điện tử này thường xuyên được liên kết những chương trình ưu đãi hấp dẫn, đa dạng nên càng được nhiều bạn trẻ yêu thích và sử dụng.
Với sự đa dạng kể trên, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của nhiều người từ thành thị đến nông thôn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 107 chợ 4.0, gần 435.000 khách hàng mở tài khoản Mobile Money với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán.
Nếu như trước đây, người tiêu dùng luôn phải mang theo tiền mặt thì nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ, kể cả các khoản sinh hoạt trong gia đình như: Tiền điện, nước, mạng Internet, học phí…
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, hướng đến tiêu dùng thông minh, góp phần hình thành những công dân số, thúc đẩy phát triển xã hội số.
Thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng hành lang pháp lý và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu. Qua đó tạo điều kiện phát triển thanh toán số, công dân số và xã hội số.
Theo Thu Hà (Báo Thái Nguyên)