Sáng 21/7, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Tiêu dùng không dùng tiền mặt nhằm hưởng ứng tháng khuyến mại Hà Nội 2022. Đây là sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương (UBND thành phố Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế,...
Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một biện pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Việc ứng dụng thanh toán không tiền mặt còn góp phần ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực để các doanh nghiệp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng.
Việt Nam còn nhiều dư địa cho thanh toán không tiền mặt
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong đại dịch Covid-19, dù các lĩnh vực khác trong nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thanh toán không tiền mặt vẫn tăng trưởng 2 con số.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam gia tăng cả về số lượng (69%) và giá trị (27,5%), giữ vững được đà tăng trưởng đã có trong đại dịch.
Chuyên gia của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa cho thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng sử dụng phương thức COD (phát hàng thu tiền hộ) trong thương mại điện tử vẫn ở mức cao (71%).
Ở mảng thanh toán không dùng tiền mặt, hình thức thanh toán qua chuyển khoản vẫn chiếm thế thượng phong. Thanh toán qua ví điện tử hay các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán còn tương đối thấp. Đây là dư địa để các doanh nghiệp có thể phát triển.
Trong vai trò nhà sáng lập ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, xu hướng hiện nay là người dùng không chỉ dùng app để thanh toán mà họ còn có nhu cầu giải trí. Đó là lý do MoMo thường phát triển thêm các tính năng như vòng quay may mắn hoặc một trò chơi nào đó nhằm gắn kết khách hàng.
Bên cạnh việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, ví điện tử đóng vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các tiểu thương, doanh nghiệp.
Startup này đang triển khai mô hình mini app, cho phép các đơn vị khác nhúng ứng dụng của họ lên ứng dụng Momo. Mini app sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa đối tượng khác hàng tiềm năng, thậm chí giới thiệu thêm các khách hàng mới.
“Thực tế cho thấy, sau 3 tháng triển khai mini app cho 7Eleven, lượng giao dịch của hệ thống đã tăng gấp 5 lần. Chỉ trong 3 tháng, có tới 90.000 người dùng đăng ký thành viên 7Eleven, trong đó 90% là khách hàng mới do app mang lại. Lượng giao dịch do người dùng mới giúp doanh số tăng trưởng thêm 50%. Đây là những thành quả rõ rệt nhờ chuyển đổi số”, nhà sáng lập MoMo chia sẻ.
Thói quen thanh toán số đã thay đổi sau đại dịch
Chia sẻ tổng quan về thị trường thanh toán tại Việt Nam, bà Đặng Thị Hương Giang - đại diện NAPAS cho hay, hiện 66% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Tính đến hết năm 2021, đã có 120 triệu thẻ ngân hàng được phát hành tại Việt Nam, 1,3 triệu thẻ được mở mới qua hình thức eKYC (xác thực điện tử). Hiện Việt Nam có hơn 40 đơn vị, tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép với khoảng 20 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động.
Đáng chú ý, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong quý 4/2022 đã tăng 32% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thanh toán trên Internet tăng 48,4% về số lượng giao dịch và 32,7% về giá trị giao dịch. Thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên đến 97,7% về số lượng giao dịch và 86,7% về giá trị giao dịch. Số lượng giao dịch thanh toán qua quét mã QR cũng tăng tới 56,6%.
Theo đại diện Vietcombank, trong 3 năm đại dịch, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thanh toán không tiền mặt giờ đây xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của người dân. Có 2 nguyên nhân chính lý giải điều này. Thứ nhất do quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, tiếp đó là tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu.
Báo cáo hành vi người tiêu dùng của VISA năm 2022 cho thấy, có đến 76% người dùng cho biết tiếp tục sử dụng ví điện tử sau đại dịch, 82% sẽ sử dụng dịch vụ thẻ sau khi Covid-19 đi qua.
Trong thương mại điện tử, theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô của giao dịch trực tuyến đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ quý 1/2021 đến quý 1/2022, số lượng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đã tăng gấp đôi, còn quy mô giao dịch tăng gấp 3 lần.
Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ tăng cường chuyển đổi số, liên kết với các đơn vị trung gian để cung cấp giải pháp thanh toán online cho người dùng.
Trọng Đạt