Nền tảng Payoo cung cấp số liệu cho thấy, trong quý 2/2022, các giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng trưởng đến 84% về số lượng và gấp 3 lần về giá trị giao dịch so với quý 1.
Số liệu ghi nhận qua nền tảng thanh toán của Payoo, triển khai dịch vụ thanh toán cùng các cơ quan như Sở Công Thương TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia,…
Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán tất cả các dịch vụ công cấp độ 4: Nộp thuế thu nhập cá nhân; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Đóng BHXH tự nguyện, Đóng và gia hạn BHYT; Thanh toán tiền điện, tạm ứng án phí, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,…
Các dạng thanh toán cơ bản như tiền điện, Internet... hầu hết đã được người dân thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: P.Y) |
Những giao dịch thanh toán thuộc nhóm dịch vụ công ở các nhà cung cấp khác cũng tăng trưởng rất tốt với mức tăng 67% về số lượng và gấp 2 lần về giá trị giao dịch. Điều này chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ và các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán trong việc thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt bước đầu đạt kết quả khả quan.
Thanh toán học phí giữ đà tăng trưởng
Không chỉ mảng dịch vụ công mà một số lĩnh vực khác cũng ghi nhận mức độ thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng.
Mảng giáo dục bứt phá mạnh nhất trong thời kỳ dịch bệnh do nhu cầu học và thanh toán học phí trực tuyến, vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ năm ngoái đến nay.
Với nhóm trường công lập, thực hiện đề án thanh toán học phí không dùng tiền mặt của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Payoo phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi nhà xanh (đơn vị triển khai Đề án thẻ học đường SSC) hỗ trợ thu hộ học phí cho hơn 1.500 trường công lập tại TPHCM, bao gồm các cấp từ mầm non đến bậc đại học.
Quý II/2022, giá trị giao dịch thanh toán học phí tăng gấp 2,5 lần so với quý I và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Với nhóm các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm đào tạo, trung tâm Anh ngữ, tăng trưởng giao dịch đạt 40% về số lượng và 50% về giá trị so với quý I/2022. Trong đó, giao dịch mã QR và hình thức trả góp 0% lãi suất ngày càng chiếm ưu thế do phù hợp với nhu cầu chi trả linh hoạt của người dùng.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (đơn vị sở hữu Payoo) đánh giá người Việt có mức độ thích ứng nhanh với dịch vụ thanh toán số và thị trường vẫn còn dư địa phát triển.
Ngoài ra, nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành cùng ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị fintech thúc đẩy thanh toán điện tử thông qua các hội thảo, sự kiện chuyên ngành, thị trường đã đón nhận và phản hồi một cách tích cực.
"Thanh toán không tiền mặt đã và đang được các doanh nghiệp lẫn người dân thuộc mọi tầng lớp ủng hộ", ông Lĩnh nhận định.
Hải Đăng
Người Việt vẫn chọn thanh toán không tiền mặt sau đại dịch
Thanh toán kỹ thuật số được thúc đẩy bởi Covid-19, và vẫn tiếp tục kéo dài dù đại dịch đã được kiểm soát phần lớn.