Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ.
Nhận xét trên trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 21/10 vừa qua là chưa từng có trước đây với nội hàm cô đọng, mạnh mẽ, thẳng thắn và đưa ra giải pháp đúng và trúng vấn đề vì “thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết”.
Đánh giá thực trạng như vậy, theo Tổng Bí thư, để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Ông đề nghị cải cách nhiều điểm, trong đó cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Phải rất lâu rồi tôi mới đọc được một chỉ đạo toàn diện về cải cách thể chế với ngôn từ ngắn gọn, súc tích, đầy thuyết phục như là mệnh lệnh thôi thúc trước thực tiễn nóng bỏng hôm nay.
Trước hết, xin nhắc lại các yêu cầu “đột phá chiến lược” về hoàn thiện thể chế đã được xác lập qua văn kiện Đại hội 13: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Tuy vậy, những yêu cầu “đột phá chiến lược” dường như chưa được chuyển biến đầy đủ và hiệu quả thành luật pháp, chính sách để tạo thêm không gian cho phát triển, chứ chưa nói đến chuyện, trong không ít trường hợp, luật pháp, chính sách còn đi ngược lại, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Vì thế, phát biểu Tổng Bí thư rất đồng điệu với các nhiệm vụ “đột phá chiến lược” được nêu ra trong văn kiện. Đánh giá đó cũng rất khác so với nhiều đánh giá về công tác xây dựng thể chế gần đây là "cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế là không đúng”.
Những điều tra, khảo sát doanh nghiệp của VCCI đã chỉ rất rõ chất lượng của thể chế như thế nào.
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI mới công bố cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2014 với 15,75% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được. Tuy nhiên, đến năm 2021 chỉ còn 4,55% doanh nghiệp trả lời như vậy.
Đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2014 có 8,27% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của chính quyền tỉnh đối với quy định pháp luật trung ương thì năm 2020 chỉ còn 5,56%.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cũng có rất nhiều vấn đề. Cũng báo cáo của VCCI cho biết, nếu như năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” thì tỷ lệ này tăng lên mức 45,2% trong năm 2022. Tương tự, 50,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”.
Thực tiễn pháp luật như vậy là một trong những nguyên nhân lý giải, vì sao doanh nghiệp Việt Nam không thể lớn và không muốn lớn lên, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế hay vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới vẫn chỉ trên đầu ngón tay dù Đổi mới đã được gần 40 năm.
Thực tiễn đó phải chăng là nguyên nhân để Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt do Lãnh đạo Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng Ban, thành viên là Bộ trưởng, người đứng đầu một số bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... để rà soát, tổng hợp tất cả các dự án đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, sơ bộ giải pháp và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trong việc xây dựng luật pháp tới đây, làm sao để thu hút đầu tư tư nhân tham gia các dự án rất lớn của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc - Nam (hơn 67 tỷ đô la); hàng chục hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM (hơn 92 tỷ đô la) và các dự án điện (hơn 15 tỷ đô la mỗi năm)?
Và làm sao để Việt Nam thu hút các “đại bàng” FDI thật sự trong các ngành bán dẫn, chip, AI, dữ liệu đang định hình tương lai của thế giới thay vì các dự án thâm dụng lao động và tài nguyên bấy lâu nay.
Những câu hỏi này và nhiều hơn nữa đang đặt ra cho quá trình hoạch định chính sách, pháp luật và xây dựng thể chế tới đây để chủ động bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tôi rất thích từ “Tư duy” được dùng tới 3 lần, từ “Đổi mới” được dùng tới 11 lần trong bài phát biểu của ông trước Quốc hội.
Vì chính Đổi mới tư duy đã từng giúp các thế hệ cha ông làm nên công cuộc Đổi mới năm 1986, biến nền kinh tế một thành phần thành đa thành phần, mà động lực của nó vẫn đang còn đà cho đến hôm nay.
Và tất nhiên, Đổi mới tư duy sẽ là nhiệm vụ cấp bách, sống còn để giải quyết, khơi thông “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, là thể chế trước “thực tiễn nóng bỏng của đất nước”.