Bài 1: Xung quanh việc Tổng Giám đốc Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh
Bài 2: Cần xem xét việc tạm hoãn xuất cảnh tràn lan với giám đốc doanh nghiệp
Sau khi đăng bài ‘Xung quanh việc Tổng Giám đốc Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh’, tôi nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
Trước hết, nói một cách công bằng, ngành thuế cũng chịu nhiều sức ép “thu đúng, thu đủ” để đáp ứng các nhu cầu chi phát triển và chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế (*) cũng đã đưa ra chế tài với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Nhiều luật khác, chẳng hạn, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, cũng đề cập đến trường hợp tạm hoãn xuất cảnh là để “kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội”.
Vì vậy, cơ quan quản lý có đủ căn cứ pháp lý cho việc tạm hoãn xuất cảnh với doanh nhân nợ thuế.
Theo xu hướng này, một luật sư nói với tôi rằng, việc cưỡng chế thuế dưới các cấp độ, hoá đơn, phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh với người đại diện pháp luật đã được luật hoá bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là, không có sự phân biệt doanh nghiệp niêm yết hay doanh nghiệp siêu nhỏ. Luật cũng chưa phân hoá đại diện pháp luật đi thuê, hay là chính cổ đông lớn “ông chủ”.
Hàm ý của vị luật sư là, cấm doanh nhân xuất cảnh là “đúng” vì các nước “phương Tây” cũng làm thế.
Nhưng nếu chỉ nói như vậy là lờ đi thực tiễn rất đa dạng ở một nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi ở nước ta.
Chẳng hạn, với quy định ở Bộ Luật tố tụng hình sự, doanh nhân bị cấm xuất cảnh do nợ thuế dường như được hiểu là họ liên quan đến những từ khóa rất nhạy cảm nêu trên. Nó tác động sâu sắc đến niềm tin các đối tác, đến tình cảm người thân và cộng đồng của cá nhân họ và doanh nghiệp họ đại diện.
Hơn nữa, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, phần lớn chỉ xuất hiện sau khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999. Hay nói cách khác, khu vực kinh tế này có tuổi đời khoảng 25, kém xa so với nhiều quốc gia khác trong khu vực mà chúng ta phải ganh đua, cạnh tranh.
Trong bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp với hy vọng tháo gỡ chế tài “hoãn xuất cảnh” mà gần như ai trong số đại diện 930.000 doanh nhân ở nước ta cũng có thể lâm vào và quan trọng nhất để “nuôi dưỡng nguồn thu” cho Nhà nước.
Thứ nhất, cơ quan quản lý thuế cần lượng hóa số tiền thuế chậm nộp thay vì cứ chậm nộp thuế, nợ thuế là bị cấm xuất cảnh.
Bộ Tài chính xác nhận, hiện nay, số lượng người nộp thuế, nợ thuế dưới 1 triệu đồng là “rất lớn”. Nhiều trường hợp các giám đốc doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế dưới 1 triệu đồng.
Nhưng việc nợ 1 triệu tiền thuế, nhiều khi không phải là chây ỳ, là chậm nộp mà còn có thể do thủ tục hoặc sự lơ là của các doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Hiện tại, nợ đọng thuế lên đến 164 nghìn tỷ đồng, cũng là áp lực lớn. Nếu cứ nợ thuế (không lượng hoá giá trị) là hạn chế xuất cảnh thì lợi bất cập hại vì doanh nhân không có cơ hội đầu tư, kinh doanh để từ đó trả nợ cho Nhà nước.
Thứ hai, cần có hướng dẫn chi tiết các trường hợp ngoại lệ, bất khả kháng ví dụ như doanh nghiệp bị tác động bởi bão Yagi, phong tỏa do Covid-19. Bên cạnh đó là đánh giá mục đích, động cơ xuất ngoại của người đại diện pháp luật, nhân thân và hoàn cảnh họ, chẳng hạn họ mới về doanh nghiệp để giải cứu, phát triển doanh nghiệp, không liên quan khoản nợ thuế trước khi về.
Như với trường hợp ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Ông Nam là giám đốc làm thuê mà bị cấm xuất cảnh thì ông ấy bỏ doanh nghiệp này cho nhẹ người. Tôi biết, ông Nam, sau khi nhận được “trát” của cơ quan thuế, đã chịu rất nhiều sức ép từ gia đình, người thân. Ông Nam và hãng hàng không cần có thời gian chứ không thể giải quyết ngay được các khoản nợ do lịch sử để lại, bao gồm các khoản nợ thuế.
Thứ ba, cơ quan thuế thử xem xét việc khởi kiện dân sự, yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện pháp luật. Biện pháp này là văn minh, minh bạch, giảm rủi ro vì đụng đến quyền tự do đi lại của cá nhân. Bên cạnh nợ thuế, doanh nghiệp còn nợ các đối tác, bạn hàng, ngân hàng và thậm chí người lao động. Các chủ thể này cũng thường áp dụng biện pháp kiện ra tòa.
Hiện nay, danh sách các doanh nhân nợ thuế bị cấm xuất cảnh thường được đưa lên tách biệt bởi từng cơ quan thuế địa phương nên rất khó thống kê tổng cộng có bao nhiêu trường hợp.
Nếu danh sách này ngày càng dài ra, thì doanh nghiệp không có cơ hội hồi phục, ngành thuế khó thu lại số nợ đọng và quan trọng là nhiều người lao động cũng khó giữ được việc làm.
Hiện nay, Luật Quản lý thuế đang được sửa đổi, nên sửa ngay trong Luật là tốt nhất. Tất cả giúp “nuôi dưỡng nguồn thu” để cả Nhà nước và người dân đều được lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung: Hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân là gây tổn hại không chỉ một người mà tổn hại dây chuyền cả công ty đó và chuỗi các doanh nghiệp khác. Giả sử chuyện này diễn ra với đại diện của những tập đoàn kinh tế có hệ sinh thái hàng ngàn doanh nghiệp thì tác động xã hội còn lớn hơn nữa. Tôi cho là, cần bỏ chế tài này đi. Rất cần những hành động, chính sách khích lệ cụ thể đối với doanh nhân. Cần bãi bỏ một vài vụ việc như bỏ lệnh cấm xuất cảnh với doanh nhân nợ thuế, tháo gỡ một vài vụ việc có dấu hiệu hình sự hóa. Những hành động cụ thể như vậy sẽ có tác động rất lớn về mặt tâm lý cho cộng đồng doanh nghiệp. TS. Trần Đình Thiên: Tôi cho là cần có các mức chế tài khác nhau, quy định cụ thể cho các mức nợ thuế khác nhau. Chẳng hạn, quy định doanh nhân nợ thuế 1 tỷ đồng trở lên hay bao nhiêu đó, trong khoảng thời gian bao lâu, ví dụ 3 tháng, mới bị chế tài. Trường hợp nợ thuế 1 tỷ đồng có chế tài khác so với nợ 1.000 đồng và nợ 10 tỷ đồng. Lưu ý, khu vực nội địa của nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiếm thấy. Tổng cầu suy giảm mạnh, các luồng vốn bị ngưng trệ, nợ nần đè nặng doanh nghiệp, một bộ phận lớn doanh nhân - doanh nghiệp Việt đang vật lộn để sống còn. Trong hoàn cảnh đó, chậm nộp thuế, nợ thuế không còn là cá biệt mà đã trở thành trạng thái phổ biến của nền kinh tế. Chậm thuế hiện nay đang gia tăng, nhưng chủ yếu do hoàn cảnh doanh nghiệp khó khăn, ít xuất phát từ động cơ “gian lận”, "trốn thuế" như trong điều kiện kinh tế bình thường. Đây là lúc mà “chậm thuế” cần được nhìn nhận trong tổng thể giải pháp “khoan sức dân” mà Đảng và Chính phủ đang làm, thay vì bị đối xử như đối tượng (có nguy cơ) hình sự. |