Đây là lần đầu tiên 7 đóa sen khổng lồ được thắp sáng trên sông Cà Ty với ý nghĩa nguyện cầu cho đất nước an vui, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Vừa mới đây, mở đầu cho tuần Lễ Phật đản, Phật lịch 2567 tại Bình Thuận và thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp, lễ thắp sáng 7 đóa đại sen trên sông Cà Ty diễn ra trang nghiêm, long trọng với nghi lễ mở đầu dâng trầm hương cúng Phật.
7 đóa sen này tượng trưng cho 7 bước đi đầu tiên của Phật Thích Ca Mâu Ni khi chào đời trong điển tích “7 đóa sen hồng nâng gót tịnh”.
Bên cạnh đó, hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Mỗi đóa hoa sen có đường kính 4,8 mét, cao 1,8 mét. Khung cánh hoa sen làm bằng sắt, bọc vải, sơn màu hồng cánh sen, được cố định bằng vật liệu nổi neo gần giữa sông, hiệu ứng ánh sáng bằng đèn led năng lượng, khoảng cách thả mỗi hoa sen cách nhau 10m.
Đây là lần đầu tiên 7 đóa sen khổng lồ được thắp sáng trên sông Cà Ty với ý nghĩa nguyện cầu cho đất nước an vui, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Những đóa sen này đã được thắp sáng hàng đêm trong suốt tuần lễ Phật đản (từ ngày 26/5 đến ngày 3/6), không những tạo sự lung linh huyền ảo cho dòng Cà Ty thơ mộng, mà còn tạo không khí tươi vui, “điểm đến” cho người dân, du khách và phật tử gần xa.
Ngay sau lễ thắp sáng hoa sen, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ Khai kinh, tắm Phật và thuyết pháp với chủ đề “Lịch sử Đức Phật Thích Ca và ý nghĩa lá cờ Phật giáo”.
Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, ngày Đức Phật đản sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng ni, Phật tử trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày đản sinh của Đức Phật đã được Liên hợp quốc tổ chức hàng năm, là lễ hội tôn giáo thế giới nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo vì hòa bình cho nhân loại.
Năm nay, Đại lễ Phật đản càng có ý nghĩa khi chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp, hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Hội tụ xanh” tại tỉnh Bình Thuận. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; phục vụ buffet chay và biểu diễn văn nghệ cúng dường Phật đản; trang trí đường phố, diễu hành xe hoa trên một số trục đường thành phố Phan Thiết; tổ chức Đại lễ Phật đản…
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).
Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.