Sau ngày 30/4/1975, lối sống văn hóa của phương Tây như một cơn gió lạ từ miền Nam tràn ra miền Bắc. Chiếc quần loe ngày ấy là một thứ gì đó rất xa lạ với chúng tôi. Nhưng Ngọc Tân, chàng sinh viên năm thứ 2 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã dám “diện” nó trên giảng đường.
Nó lạ mắt, dị thường đến mức mỗi khi thấy Ngọc Tân xuất hiện, đi vào sân kí túc xá Mễ Trì, "hội oạc" lớp Văn K18 chúng tôi thường la lối ỏm tỏi.
Ây da! Mặc kệ! Ngọc Tân vẫn ngạo nghễ bước đi, "chấp" mọi con mắt đổ dồn về anh.
GS Đỗ Đức Hiểu, Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn lúc đó không chịu nổi trước "hiện tượng Lê Ngọc Tân", mặc dù cả đời ông nghiên cứu về văn hoá, văn học phương Tây. "Khoa không thể nào hiểu nổi việc này, các anh các chị ạ!". Thầy Hiểu đã hơn một lần bêu gương Ngọc Tân vào buổi sáng chào cờ đầu tuần.
Ngay đến cả Ban chủ nhiệm khoa ngày đó cũng chào thua Tân. Kết cục thật nghiệt ngã, Tân phải xuống lớp tôi (K18) học lại năm thứ 2 khi lớp Tân đã sang năm 3.
Dù nhiều người dự đoán hình thức kỷ luật này là tất yếu nhưng nhiều năm sau đó, tôi vẫn băn khoăn. Tôi không lý giải nổi vì sao thầy Hiểu ngày đó đã quyết liệt "trảm" Ngọc Tân nặng như thế.
Vậy mà khi Ngọc Tân ra trường đã nhiều năm, biết thầy Hiểu gặp khó khăn trong cuộc sống, bị gia đình chê "như người trên mây" vì chỉ biết mải mê nghiên cứu khoa học thì chính anh lại là người vượt xa tất cả chúng tôi về lòng trắc ẩn, về tình nghĩa thầy trò.
Lòng nhân ái còn mãi
Để ít nhiều tường tận về những “dị nhân” như thầy Hiểu cũng như trò Tân với những nghĩa tình đặc biệt cảm động, cũng cần lan man đôi chút.
Thầy Hiểu là một người chỉ biết đến công việc dạy học và nghiên cứu văn chương mà rất ít để ý đến chuyện đời. PGS.TS Hữu Đạt đã viết rất sâu sắc trong “Văn khoa chân dung ký” (NXB Hội nhà văn 2021):
"Có thể nói, Đỗ Đức Hiểu là một chứng nhân lịch sử của trí thức hiện đại Việt Nam. Ông sống hơn hai phần ba thế kỷ trong khung cảnh lịch sử của một đất nước đầy biến động, làm nên những kỳ tích bởi cả chất bi và chất hùng. Con người ông chính là hội tụ của của nhiều luồng tư tưởng, đa dạng, phức tạp. Bộ óc ông là một bộ óc trác việt dung chứa nhiều kiến thức thẳm sâu của hai nền văn hoá Đông-Tây... Ông có nhiều bộ sách quí để lại cho khoa, cho đời, làm cẩm nang cho các thế hệ sinh viên mở mang tầm mắt ra thế giới...
Với cả một chiều dày đáng nể đóng góp trong quản lý và chuyên môn, lẽ ra ông phải thừa sức nhận được chức danh GS ngay từ đầu. Vậy mà mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều tỏ ra rất phi lý với ông. Cũng may, là một chuyên gia tầm cỡ chuyên nghiên cứu và giảng dạy về kịch phi lý, ông quá hiểu những gì ngổn ngang ở cuộc đời này nên bình thản tiếp nhận nó...".
"Nhân duyên" tưởng như phi lý giữa thầy Đỗ Đức Hiểu và bạn tôi, Lê Ngọc Tân đã xích lại đến bất ngờ lúc thầy đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời.
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội - học trên chúng tôi 3 khoá kể: “Lần đó, tôi vào bệnh viện Hữu Nghị thăm thầy thì bất ngờ gặp Tân. Bữa đó, chính Tân là người làm thủ tục xuất viện cho thầy. Cậu ấy đã cõng ông thầy nhỏ bé trên lưng ra xe đưa về nhà mình để chủ động chăm sóc, giúp thầy sống nhẹ nhàng hơn những ngày cuối cuộc đời khi tuổi già sức yếu. Khi ấy, Tết Nguyên đán đã cận kề”.
Chúng ta thường nhắc đến một câu ngạn ngữ tự ngàn xưa: "Chiếc áo không làm nên thầy tu". Có lẽ thuở đôi mươi mười tám, Ngọc Tân đã bỏ ngoài tai những dị nghị để diện chiếc quần loe cho đúng mốt thời thượng của tuổi trẻ ngày đó mà thôi. Thời gian với những thăng trầm của cuộc sống đã khẳng định rằng, chỉ có sự tử tế và lòng nhân ái là còn mãi.
Quốc Phong