Việc A0 rời EVN về Bộ Công Thương thúc bách quá trình cải cách cơ chế điều hành giá điện ở Việt Nam. Nếu không, những tồn tại của ngành điện sẽ khó được giải quyết triệt để.
LTS: Thiếu điện cao điểm nắng nóng vừa qua gây tổn hại hàng tỷ USD và vẫn là mối nguy hiện hữu trong vài ba năm tới. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực tư nhân vào đầu tư nguồn điện đang đặt ra những vấn đề quan trọng về chính sách thu hút đầu tư. Trong khi đó, cơ chế điều chỉnh giá điện vẫn đang thiếu tính thị trường.
Tuyến bài "Tương lai của ngành điện" phân tích những nút thắt đang tồn tại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cho nguồn điện mới cùng những thay đổi cần thiết về chính sách giá điện.
Đòi hỏi cấp bách
Liên quan đến cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tại văn bản gửi lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp mới đây, Thường trực Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, thủ tục liên quan đến việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương.
Cùng với đó, phải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 24 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.
Chủ trương “cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế” như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, nếu được hiện thực hóa sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành điện. Bởi, đây vẫn là vấn đề đã có trong các văn bản chỉ đạo điều hành nhưng gần như chưa bao giờ được thực thi trong thực tế.
Mọi quyết định liên quan đến giá điện đều được “nhấc lên đặt xuống” kỹ lưỡng, dù mức tăng trong thẩm quyền của EVN hay Bộ Công Thương đều phải xin phép. Do đó, mới xảy ra tình trạng 4 năm không điều chỉnh giá điện, từ tháng 3/2019 đến tận tháng 5/2023.
“Với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện hiện tại của Chính phủ, doanh thu tính theo giá bán lẻ điện bị điều tiết không đủ để EVN bù đắp chi phí nên tập đoàn đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh cho các khách hàng sử dụng điện”, một báo cáo của EVN đánh giá.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện. Bởi, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo các biến động đầu vào của giá nhiên liệu trong khâu phát điện; cần đảm bảo kinh tế vĩ mô; giá điện chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý...
Điều đáng lưu ý là, giai đoạn 2009-2012, khi thị trường phát điện cạnh tranh chưa hình thành, lại là giai đoạn giá điện điều chỉnh nhịp nhàng theo thị trường nhất. Thậm chí, năm 2011, điều chỉnh hai lần với mức điều chỉnh lên tới 20,28%.
Tại tờ trình sửa đổi Luật Điện lực, Bộ Công Thương phân tích thẳng thắn: Thực tế, việc điều hành giá bán lẻ điện các năm qua đều được họp, thảo luận và quyết định thông qua các cuộc họp của Thường trực Chính phủ.
Vì sao đã có cơ chế điều chỉnh và thẩm quyền điều chỉnh giá tại Quyết định 24 mà thực tế không thực hiện được là điều Bộ Công Thương cần phải làm rõ khi tới đây sẽ sửa đổi quyết định này. Chỉ khi nào cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện thay đổi và theo tín hiệu thị trường mới tính đến việc cải tổ được ngành điện hay phát triển được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Bởi thế, một chuyên gia năng lượng đã "cười trừ” khi dư luận kêu gào về việc phải phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. "Chúng ta muốn theo thị trường thì trước hết, quá trình điều tiết giá bắt buộc phải mang tín hiệu của thị trường, khi chín muồi mới thả nó ra theo thị trường", vị chuyên gia lập luận.
Ông dẫn chứng, xăng dầu là trường hợp điển hình. Chu kỳ điều chỉnh giá đã rút ngắn rất nhiều, và hiện còn dự kiến giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày. Như vậy các biến động của thị trường trong 1 tuần là tín hiệu để điều chỉnh ở tuần tiếp theo.
"Còn từ tháng 3/2019 đến 5/2023 mới điều chỉnh giá điện 3% có nghĩa không theo tín hiệu thị trường. Chúng ta nên bắt đầu bằng việc thay đổi cơ chế điều chỉnh giá, thay vì nói cái ngọn là giá theo thị trường”, vị này nói thêm.
Do đó, những chỉ đạo của Thường trực Chính phủ trong văn bản ngày 15/8 về “cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế” rất cần được hiện thực hóa để vừa đảm bảo được tài chính cho các đơn vị mua bán điện, vừa phát đi tín hiệu để các nhà đầu tư an tâm rót tiền vào các dự án nguồn điện.
Việc luật hóa cơ chế điều hành giá điện dưới dạng nghị định của Chính phủ, thay vì quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi tại Luật Điện lực, là hướng đi đúng cần thúc đẩy.
Cơ chế điều chỉnh giá điện ra sao khi A0 về Bộ Công Thương
A0 đang là đơn vị điều hành thống nhất cả hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam. Hai chức năng này sẽ chuyển hết về Bộ Công Thương, sau khi A0 rời EVN. Cung ứng đủ điện và mua điện giá nào sẽ là điều Bộ Công Thương phải đối mặt khi A0 tách ra độc lập khỏi EVN.
“Nếu đặt vấn đề an toàn lên cao hơn thì chi phí mua điện sẽ tăng và EVN là đơn vị chịu thiệt hại với cơ chế giá bán lẻ như hiện nay. Nếu không có chỉ đạo từ EVN thì đương nhiên, A0 sẽ đưa ra giải pháp theo xu hướng đảm bảo an toàn cao nhất cho hệ thống điện và EVN sẽ lỗ nặng hơn”, ông Trần Anh Thái, chuyên gia năng lượng, phân tích về việc A0 rời EVN.
Khi trao đổi với PV. VietNamNet, một đại diện EVN cũng thừa nhận bất cập khi A0 rời EVN, trong khi EVN vẫn đóng vai là người mua duy nhất trên thị trường.
Nghĩa là, sau ngày A0 về Bộ Công Thương, Bộ với mục tiêu cao nhất "đủ điện cho nền kinh tế" nên chỉ đạo A0 mua điện bằng mọi giá. Nhưng đơn vị phải trả tiền mua điện là EVN (?). Vậy, tiền chênh phát sinh do “mua cao bán thấp” ai chịu nếu không có cơ chế điều chỉnh giá hợp lý? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Nếu giá điện đầu ra không được điều chỉnh theo thực tế, EVN sẽ càng ngập trong thua lỗ. Ai chịu trách nhiệm cho khoản lỗ này sẽ cần được phân định.
Những phân tích trên cho thấy, cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề và là cái gốc để tiến hành những bước cải tổ thị trường điện về sau. Nhà nước có thể áp dụng giá trần để kiểm soát giá điện trong một số tình huống đặc biệt, giống như trường hợp giá xăng dầu, để bảo vệ người tiêu dùng.
Vấn đề cấp bách hiện giờ là phải làm sao đầu tư thêm được nhiều nguồn điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 10% mỗi năm. Các doanh nghiệp Nhà nước như EVN, PVN, TKV sẽ nắm trọng trách này hay khu vực tư nhân sẽ vươn lên nắm vai trò chủ đạo?
Ngành điện đã có những thay đổi về cơ cấu, chủ sở hữu nguồn điện, nhưng những chính sách cho sự thay đổi lại chưa theo kịp. Ngành điện vẫn xa rời với các yếu tố mang tính thị trường.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.