Bộ Công Thương khẳng định Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải, các dự án điện tái tạo sẽ phải đàm phán giá với EVN.
Quan điểm này được Bộ Công Thương nêu rõ khi phản hồi các ý kiến tại bản tổng hợp góp ý và tiếp thu, giải trình đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp.
Nhà nước không độc quyền đầu tư truyền tải
Nêu ý kiến với hồ sơ xây dựng Luật, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu quy định theo hướng xác định rõ phạm vi độc quyền nhà nước trong lĩnh vực lưới điện truyền tải và phạm vi khu vực tư nhân được phép đầu tư nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.
Điều này nhằm đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, giảm áp lực đầu tư đối với nguồn vốn Nhà nước đồng thời tạo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác.
Dẫn các quy định pháp luật, Bộ Công Thương cho biết các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải "do mình đầu tư xây dựng”.
"Luật Điện lực không quy định phạm vi độc quyền nhà nước trong đầu tư lưới điện truyền tải", Bộ Công Thương khẳng định.
Theo cơ quan này, yếu tố giá truyền tải là vấn đề chính để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải.
Theo quy định Luật Quy hoạch, sau khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ lập Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, có xác định danh mục dự án gồm sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác ngoài đầu tư công.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng không chỉ riêng dự án lưới điện truyền tải mà tất cả các dự án điện (gồm nguồn và lưới) sẽ cần đánh giá trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước (thông qua các tập đoàn/DNNN) và các tiêu chí khác (nếu có) để xác định các dự án nào do Nhà nước hay tư nhân thực hiện trong thời kỳ quy hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn điện lực.
Điện tái tạo phải đàm phán giá
Theo Bộ Công Thương, các chính sách/quy định khuyến khích phát triển được áp dụng thời gian qua chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ/khuyến khích đầu tư vào nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT).
Trong bối cảnh hiện nay, giá điện NLTT trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, quy mô ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, thị trường công nghệ, thiết bị điện gió đã trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng tiệm cận thị trường là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.
"Việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ không còn phù hợp. Việc xác định giá bán điện các dự án điện NLTT sẽ áp dụng tương tự như các dự án điện khác như thủy điện, nhiệt điện", theo Bộ Công Thương
Bộ Công Thương thấy rằng sau khi kết thúc các cơ chế khuyến khích phát triển theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và cả các dự án điện NLTT trong tương lai cũng sẽ phải thực hiện theo cơ chế khác.
Đó là các chủ đầu tư dự án đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khuôn khổ khung giá và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành để đảm bảo tuân thủ Luật Điện lực, Luật Giá và các văn bản liên quan để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý.
Vẫn còn tồn tại bù chéo trong giá bán điện
Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương thừa nhận vẫn còn tồn tại bù chéo trong giá bán điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện (giữa hộ sản xuất và kinh doanh, giữa hộ tiêu thụ điện cùng tính chất sử dụng ở các cấp điện áp khác nhau, giữa các bậc thang trong biểu giá sinh hoạt); giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn; giữa khu vực nối lưới điện quốc gia và khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi chưa nối lưới điện quốc gia do áp dụng giá bán điện thống nhất toàn quốc.
Song, cơ quan này cho rằng việc bù chéo trong giá điện là cần thiết để đảm bảo người dân ở mọi miền tổ quốc có quyền tiếp cận và sử dụng điện năng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 55-NQ/TW cũng đã nêu định hướng phát triển năng lượng quốc gia, theo đó “không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”.
Vì vậy, Luật Điện lực định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách giá điện liên quan đến bù chéo, theo đó sẽ giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.