Trong một quyết định đột ngột hôm 15/1, Thủ tướng Nga Medvedev đã thông báo rằng toàn bộ chính phủ của ông sẽ từ chức. Nội các của ông Medvedev sẽ tiếp tục đảm nhiệm các chức năng quản lý cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Ông Putin đã đề nghị đề cử ông Medvedev làm Phó chủ tịch Hội đồng An ninh, bộ phận cố vấn cho Tổng thống, phụ trách lên kế hoạch chiến lược liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia.
Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev tham dự một cuộc họp của chính phủ Nga |
Chính phủ Nga vận hành như thế nào?
Theo hiến pháp hiện hành, chính phủ thực thi quyền hành pháp, soạn và thi hành ngân sách liên bang, và triển khai các chính sách quốc gia trong các lĩnh vực tài chính, ngoại giao, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học…
Chính phủ có thể đệ đơn từ chức lên Tổng thống, người cũng có quyền tự giải thể chính phủ. Một cách giải thể chính phủ nữa là Hạ viện bỏ phiếu thông qua một kiến nghị không tín nhiệm, song kiến nghị này có thể bị Tổng thống phủ quyết.
Tổng thống đề cử và bổ nhiệm Thủ tướng dưới sự cho phép của Hạ viện. Ông Vladimir Putin đã bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev làm thủ tướng hai lần, vào năm 2012 và 2018, sau khi đắc cử Tổng thống.
Tổng thống cũng bổ nhiệm các Phó thủ tướng (hiện có 10 phó thủ tướng trong nội các đương nhiệm) và các bộ trưởng liên bang, dưới gợi ý của Thủ tướng. Tổng thống có quyền sa thải cả Thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ.
Điều gì sẽ thay đổi?
Trong động thái nhằm tăng cường đáng kể quyền lực của Quốc hội, Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất các sửa đổi trong hiến pháp, cho phép Hạ viện lựa chọn Thủ tướng và các bộ trưởng, thay vì Tổng thống.
Sau khi thông báo về sự tái phân chia quyền lực, ông Putin đã nhấn mạnh rằng nước Nga vẫn cần phải duy trì trạng thái là một “nền cộng hòa tổng thống mạnh mẽ”. Theo luật của Nga, ông Putin sẽ có hai tuần để bổ nhiệm Thủ tướng mới.
Hiện các nghị sĩ đã bắt đầu bắt tay vào việc soạn thảo pháp chế để đưa các đề xuất của ông Putin vào thực thi.
Anh Thư