- Những nỗ lực kiên quyết, không khoan nhượng, không có vùng cấm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng thời gian qua đã tạo niềm tin lớn trong nhân dân.
Từ những thực tế buồn…
Vừa qua, UBKTTW đã có kết luận về những vi phạm rất nghiêm trọng của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thanh Hoá. Cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Cái nghiêm trọng là ở chỗ, một số lượng rất lớn cán bộ chủ chốt của tỉnh (hơn 20 người) đã vi phạm suốt hai nhiệm kỳ liền.
Nhìn vào danh sách mới thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Ở cấp tỉnh có 3 tổ chức quan trọng nhất cho sự chỉ đạo và lãnh đạo thì cả 3 đều có khuyết điểm, cán bộ đứng đầu, chủ chốt đều bị đề nghị thi hành kỷ luật.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vi phạm đã không bị phát hiện, diễn ra suốt 2 nhiệm kỳ liền.
Nhìn rộng ra không chỉ có Thanh Hoá vi phạm. Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, có một số tỉnh, thành vi phạm tương tự Thanh Hóa. Có tỉnh nghiêm trọng đến mức cả bí thư, chủ tịch vướng vào vòng lao lý.
Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương…
2.740 tổ chức đảng là con số rất đáng suy ngẫm. Trong đó có những tỉnh thì cả Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đều bị kỷ luật như Thanh Hóa. Vậy công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở những nơi đó thế nào? Công tác thanh kiểm tra ra sao?
Đảng ta lấy phê và tự phê là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để chống tả khuynh và hữu khuynh; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội ...Vậy ai phê bình ai ở những tổ chức đảng ấy.
Điều nguy hiểm là tính chiến đấu của Đảng bị xem nhẹ hoặc không có điều kiện đề tồn tại. Rất nhiều vụ việc người đứng đầu sai phạm nhưng vì sao cấp dưới không dám nêu ra, không dám phê bình? Liệu câu “đấu tranh, tránh đâu” luôn đúng?
Vậy cơ chế nào, mảnh đất nào để cho những tiêu cực tồn tại? Chúng ta thường nói trao quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm. Đó là chủ trương rất đúng, nhưng việc trao quyền như thế nào và chịu trách nhiệm đến đâu phải thật cụ thể rõ ràng để tránh lạm quyền. Người đứng đầu không biến thành “vua” đứng trên có quyền quyết nhưng khi có sai phạm thì lại là trách nhiệm tập thể.
Trường hợp Thanh Hoá vừa qua khi người đứng đầu có sai phạm thì không ai dám phê bình, không ai dám đấu tranh đẩy cả bộ máy vi phạm khuyết điểm kỷ luật, vi phạm luật pháp.
… Đến những bài học về công tác cán bộ
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy công tác cán bộ là khâu cần phải nghiên cứu, cần phải đổi mới cho phù hợp với thực tiễn.
Có thể thấy bài học sử dụng người tài ngay từ khi lập nước và kinh nghiệm công tác cán bộ đáng quý mà Bác Hồ đã làm.
Chúng ta đều biết, khi cách mạng thành công, ngoài việc sử dụng cán bộ của chế độ cũ có thực tài qua thực tiễn, Bác Hồ đã có thư kêu gọi người tài ra giúp nước và yêu cầu cá nhân, tổ chức phát hiện, giới thiệu người tài để phục vụ công tác kiến quốc. Ai giới thiệu thì phải chịu trách nhiệm với giới thiệu của mình. Giới thiệu đúng, phát hiện đúng thì được khen thưởng và ngược lại.
Chính yếu tố chịu trách nhiệm là yếu tố quan trọng quyết định hàng đầu. Nghĩa là người giới thiệu không chỉ có giới thiệu mà còn phải chịu trách nhiệm quá trình phát triển của người đó.
Công tác cán bộ của ta có quy trình rất chặt chẽ. Ban Tổ chức (ở Trung ương), tổ chức cán bộ (ở địa phương) là nơi tham mưu về công tác cán bộ, nơi giới thiệu, nơi tìm nguồn; cấp uỷ mới là nơi có quyền quyết định. Trung ương là Bộ Chính trị, Ban bí thư, địa phương là cấp uỷ các cấp.
Khi vào nhiệm kỳ mới, nhân sự được cấp uỷ chịu trách nhiệm giới thiệu lên cấp trên. Ban Tổ chức trung ương có vai trò quan trọng trong việc tham mưu song cũng phải tôn trọng ý kiến cấp uỷ cấp dưới. Chính điều này đã để lại những hệ luỵ đáng tiếc trong thời gian vừa qua.
Thực tế đã có nhiều bài học đau xót trong việc lựa chọn cán bộ. Một bí thư tỉnh uỷ mới bầu đã phải bị kỷ luật, một Đại biểu Quốc hội mới bầu đã phải xin thôi. Bình Dương, Hải Dương là những thí dụ điển hình. Bài học nào cho việc lựa chọn như vậy?
Cần quy định rõ trách nhiệm trong việc giới thiệu và đảm bảo chất lượng cán bộ. Ai phải chịu trách nhiệm, khâu nào phải chịu trách nhiệm khi có cán bộ yếu kém, không tương xứng, có vi phạm, khuyết điểm, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ? Cần phải quy định cụ thể rõ ràng để khi có sai phạm mới có cơ sở để xử lý.
Dư luân cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra trước đó đều có nhưng sao không phát hiện sai phạm? Câu hỏi đặt ra là tại sao lại để lọt nhiều cán bộ như vậy. Hầu hết những cấp uỷ, những Uỷ viên Trung ương bị kỷ luật khoá này đều là những khoá trước, vi phạm những khóa trước đã “hạ cánh” rồi. Nhưng “rủi ro” cho họ bây giờ là thời kỳ khác rồi, lò đã nóng rồi và nếu có sai phạm, khuyết điểm thì “hạ cánh” sẽ không an toàn.
Vậy bài học kinh nghiệm về cá nhân thanh tra, kiểm tra trước đây là gì, có phải chịu trách nhiệm khi không phát hiện sai lầm khuyết điểm không, những ai giới thiệu thì phải chịu trách nhiệm thế nào,… ? Đó là câu hỏi rút ra từ thực tế vừa qua. Chỉ khi nào giải quyết tốt những câu hỏi như vậy thì mới có chuyển biến trong hoạt động thực tiễn, trong công tác cán bộ.
Chính vì vậy TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đối với công tác tổ chức cán bộ tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng tiêu cực: “Cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ…”.
Làm tốt những công việc trên sẽ trở thành động lực để đất nước phát triển, mới tác động thuận chiều cho phát triển.
Nguyễn Đăng Tấn