Ngân hàng Phát triển châu Á hôm nay (21/9) công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022, trong đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á, trong khi hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á.
Theo ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Những cân đối vĩ mô vững mạnh tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro cao - cụ thể là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tác động đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và gây áp lực lên cán cân vãng lai trong ngắn hạn.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries cho rằng, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 do được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng trong nước.
ADB giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% vào năm 2023.
Theo báo cáo, nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7, từ mức 54,0 của tháng 7. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Việt Nam ghi nhận việc đi lại, di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.
Cũng theo ADB, với chính sách tiền tệ thận trọng và việc thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục, Việt Nam sẽ giữ lạm phát ở mức 3,8% trong 2022 (so với mức 7-9% tại nhiều nước phát triển) và 4% trong 2023.
Việc kiểm soát được lạm phát, cùng với các chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng, cũng giúp thúc đẩy tiêu dùng, qua đó hỗ trợ kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh trong 2022.
Ở chiều ngược lại, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường cho rằng, đã xuất hiện “những đám mây đen trong xuất khẩu”, ám chỉ tình trạng xấu đi trong lĩnh vực này.
Trước đó, theo WB, nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái. Điều này có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo. Sự gia tăng bất ổn địa chính trị và nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến cho tình hình xấu đi trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt vấn đề lạm phát.
ADO hạ dự báo tăng trưởng nhóm các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ xuống còn 4,3% trong năm 2022, so với mức dự báo 4,6% đưa ra hồi tháng 7 và 5,2% đưa ra hồi tháng 4.
Theo ADB, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 4% hồi tháng 7 và 5% đưa ra hồi tháng 4.
Trước đó, nhiều tổ chức cũng giữ hoặc nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam như WB, IMF, Standard Chartered Bank, VNDirect, SSI... WB dự báo GDP Việt Nam tăng 7,5%. Moody’s thậm chí dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,5%.
Gần đây, công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.