VeXeRe là nền tảng quản lý nhà xe và hỗ trợ bán vé thông minh, TATU là nền tảng mạng xã hội âm thanh, còn Hocmai.vn là nền tảng số phục vụ học tập.

Bộ TT&TT yêu cầu đơn vị chủ quản 3 nền tảng số Việt Nam VeXeRe, TATU, Hocmai.vn là Công ty thương mại dịch vụ VeXeRe, Công ty phát triển mạng xã hội Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ giáo dục luôn tối ưu hóa, nâng cao chất lượng của các nền tảng nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số người dân và triển khai trên cả nước.

Nền tảng phục vụ học tập hocmai.vn là 1 trong 3 nền tảng số Việt Nam mới được Bộ TT&TT công nhận đạt tiêu chí phục vụ người dân. (Ảnh: hocmai.vn)

Trước đó, trong quý II và đầu quý III năm nay, Bộ TT&TT cũng đánh giá và công nhận 3 nền tảng số Việt Nam khác gồm nền tảng tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến VOV Bacsi24, công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc, nền tảng đọc sách Reavol đạt tiêu chí xác định thí điểm nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân năm 2022.

Vào trung tuần tháng 5/2022, nền tảng tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến VOV Bacsi24 đã được Bộ TT&TT chính thức công bố là nền tảng số Việt Nam đạt tiêu chí phục vụ người dân . Thông qua nền tảng này, người dân được kết nối với các chuyên gia y tế, bác sĩ của các bệnh viện và có thể nhận được ý kiến tư vấn sức khỏe mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào có nhu cầu. Nền tảng VOV Bacsi24 được nhận định đã cụ thể hóa sáng kiến “mỗi người dân một bác sĩ riêng” được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Việc công nhận các nền tảng số đáp ứng tiêu chí phục vụ người dân nằm trong kế hoạch của Bộ TT&TT thực hiện thí điểm đánh giá, công bố các nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và tuyên truyền, phổ biến cho người dân sử dụng. 

Để hiện thực hóa kế hoạch trên, đầu tháng 4/2022, Bộ TT&TT đã ra quyết định ban hành Khung tiêu chí, thành lập Hội đồng và quy trình xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022. Theo đó, khung tiêu chí xác định nền tảng số Việt Nam phục vụ người dân gồm 4 nhóm chính: Tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp; chức năng và tính năng của nền tảng số; an toàn, an ninh mạng; đặc thù khác theo từng tình huống, nền tảng cụ thể. Về chức năng, nền tảng số phải bảo đảm có sử dụng hạ tầng điện toán đám mây; có cung cấp chức năng như dịch vụ; có khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu mà không cần chỉnh sửa mã nguồn...

Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc đã và đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” các kỹ năng số cơ bản. (Ảnh: M.Quân)

Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã xác định rằng định hướng xuyên suốt của chuyển đổi số năm nay là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Cụ thể là, phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập; phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Theo ghi nhận từ các hệ thống đo lường của Bộ TT&TT, trong tháng 8/2022, tổng số người dùng trên các nền tảng số Việt Nam đạt mức trên 494 triệu, tăng 23,56% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thời gian sử dụng nền tảng số Việt Nam là hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng. Tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ người dùng các nền tảng số Việt Nam chiếm khoảng 20,33% tổng số người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động. 

Để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ TT&TT đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thói quen của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ được cung cấp trên các nền tảng số; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, đào tạo về kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.

Hơn 61.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên cả nước với nòng cốt là lực lượng thanh niên đã và đang “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Riêng trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tối thiểu 10 triệu người dân Việt Nam được phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và sử dụng các nền tảng số Việt Nam khác do địa phương lựa chọn để giải quyết bài toán của mình.

Vân Anh