Nhiều ca sốt xuất huyết nặng

Nằm điều trị tại khoa Nhiễm được 6 ngày, trên hai tay của bệnh nhi N.N.T (13 tuổi, ngụ quận 7) vẫn còn những vết bầm tím do tình trạng cô đặc máu vì sốc sốt xuất huyết.

Mẹ bệnh nhi cho biết, một tuần trước, chị nhận được điện thoại của cô giáo nói con sốt nóng, đưa con đi khám ở phòng khám tư, được bác sĩ cho thuốc chữa viêm họng. Về nhà, cậu bé sốt cao liên tục kèm tiêu chảy không ngừng, gia đình đưa vào bệnh viện quận cấp cứu, được truyền dịch rồi chuyển tiếp Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng sốc sốt xuất huyết.

W-z5889894112711_4375f81c2934100f15b80268a564f5d0.jpg
Vết bầm tím do tình trạng cô đặc máu của bệnh nhi sốc sốt xuất huyết. Ảnh: Bạch Dương

Cũng đang điều trị sốt xuất huyết, bé gái N.V (4 tuổi) vào viện trong ngày thứ 4 của bệnh. Trước đó bé có sốt, đi khám bác sĩ tư, chẩn đoán viêm họng, uống thuốc nhưng bệnh không giảm, sau đó bé mệt, nôn ói nhiều.

Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được đưa thẳng khoa Cấp cứu trong tình trạng sốc, có hiện tượng tràn dịch đa màng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở áp lực dương (CPAP).

BSCK1 Trần Ngọc Lưu - khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, so với 2 tuần trước, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng hơn 50%, hiện có khoảng 15-20 bệnh nhi đang điều trị nội trú.

Cùng với số ca tăng, đồng thời xuất hiện những ca nặng, vào viện trong tình trạng sốc, phải truyền các chế phẩm máu. Trong một tuần, bệnh viện tiếp nhận 4 ca sốc sốt xuất huyết.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có 30 bệnh nhi đang điều trị nội trú. Tháng trước đã có 130 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện, 8 trường hợp biến chứng sốc, phải điều trị tích cực. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương gan nặng do sốc sâu, phải đặt nội khí quản, thở máy.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm và chưa có thuốc đặc trị. Các biến chứng thường gặp bao gồm sốc sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan, sốc do giảm thể tích tuần hoàn và thoát huyết tương, xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn.

Điều đáng lưu ý, các triệu chứng của sốt xuất huyết thường không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, tay chân miệng hoặc nhiễm siêu vi.

Số ca bệnh liên tục tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần 39, TP ghi nhận 370 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 19,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 7.739 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm quận 1, TP Thủ Đức và quận 7.

W-z5889894130830_38f1cd6dbd48e137dc52aff0cf6f8e4e.jpg
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bạch Dương

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết trở thành bệnh lưu hành hằng năm, không còn theo chu kỳ 4-5 năm bùng phát một đợt dịch như trước.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhấn mạnh: “Trước đây, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Nhưng gần đây, tháng nào các cơ sở y tế cũng ghi nhận các ca bệnh, bao gồm cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Thực trạng này cho thấy cần phải gia tăng nguồn lực và bổ sung biện pháp dự phòng sốt xuất huyết chủ động như tiêm chủng khi có vắc-xin”

GS.TS.BS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, việc đưa vắc-xin sốt xuất huyết dengue vào sử dụng cùng các biện pháp dự phòng truyền thống như kiểm soát véc-tơ, phòng chống muỗi đốt và nâng cao nhận thức cộng đồng là một bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng chống sốt xuất huyết.

Hiện vắc-xin ngừa sốt xuất huyết được triển khai tiêm cho người dân do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất tại Đức. Đây là vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam.  

Đặc điểm của sốt xuất huyết dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3-7, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Khi đó bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan kèm nôn ói.

Bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi có thể gây suy hô hấp; phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp…