Theo tờ Business Insider, hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết phiên bản mới của vũ khí chính xác do Mỹ sản xuất đã không thể tấn công các mục tiêu của Nga. Nguyên nhân một phần là do phải đối mặt với hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
Cũng theo ông, loại vũ khí phóng từ mặt đất đã nhanh chóng được phát triển, và triển khai tới Ukraine sau quá trình thử nghiệm an toàn tương đối hạn chế, và chưa được thử nghiệm vận hành. Sự thất bại của vũ khí này trong chiến đấu đã làm nổi bật thách thức ngày càng lớn trong việc chống lại các chiến thuật gây nhiễu giá rẻ của Nga.
Vị quan chức Mỹ thừa nhận, khi vũ khí được đưa đến Ukraine, "nó đã không hoạt động vì nhiều lý do" như tác động từ gây nhiễu điện tử, và các vấn đề phức tạp khi phóng vũ khí từ mặt đất.
Ông cũng ám chỉ việc Ukraine không hứng thú với phiên bản vũ khí thử nghiệm này. “Khi bạn cung cấp một thứ gì đó cho những người đang chiến đấu vì mạng sống của họ, mà nó không hiệu quả, họ sẽ thử 3 lần và sau đó bỏ sang một bên", ông LaPlante nói.
Tuy nhiên, ông LaPlante không nói cụ thể đây là vũ khí gì. Song theo các chuyên gia chia sẻ với tờ Defense One, khả năng đây là Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất mà Ukraine có thể đã sử dụng từ tháng 2 năm nay. Loại bom này được cho có tầm bắn 145km, lý tưởng để nhắm vào các trung tâm hậu cần của Nga nằm gần tiền tuyến. Nó dựa vào GPS, và hệ thống nội bộ để khóa mục tiêu.
Đây không phải là lần đầu tiên các vũ khí dẫn đường chính xác của Mỹ bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga đánh bại. Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường, một vũ khí có giá trị với Ukraine và có thể được bắn từ pháo phản lực HIMARS, cùng Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) của Mỹ đều được cho không thể hoạt động khi đối mặt với các thiết bị gây nhiễu của Nga.
Vào tháng 12/2023, Trung tướng Antonio Aguto nhận định hệ thống tác chiến điện tử nhắm vào "một số phương tiện chính xác nhất của Mỹ đang là thách thức".
Còn vào tháng 3, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, nhà nghiên cứu Daniel Patt tại Viện Hudson nhận định đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur “đạt tỷ lệ 70% bắn trúng mục tiêu khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine”, nhưng “sau 6 tuần, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6% khi Nga điều chỉnh các hệ thống tác chiến điện tử”. Cũng theo ông, “hiệu quả cao nhất của một hệ thống vũ khí mới chỉ khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp đối phó xuất hiện”.
Tác chiến điện tử trở thành đặc điểm nổi bật trong xung đột ở Ukraine. Nó được xem là phương pháp giá rẻ, nhưng hiệu quả để hai bên gây nhiễu các vũ khí dẫn đường bằng GPS, cũng như tên lửa, và các hệ thống điều khiển bằng tín hiệu bao gồm máy bay không người lái (UAV).