{keywords}
 

Hôm 17/8, chính quyền Donald Trump mở rộng lệnh cấm hồi tháng 5 nhằm vào Huawei, chặn “khe cửa hẹp” mà công ty Trung Quốc có thể dựa vào để lách luật. Từ giữa tháng 5, Mỹ cấm các nhà sản xuất chip nước ngoài như TSMC, SIMC làm chip riêng cho Huawei và chi nhánh nếu sử dụng thiết bị của Mỹ.

Lệnh cấm muốn kìm hãm bộ phận thiết kế chip HiSilincon của Huawei, làm giảm cạnh tranh trên thị trường smartphone và thiết bị viễn thông. Với việc mở rộng lệnh cấm, Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng chip thế giới tiếp tục gián đoạn do quy mô của nó bao trùm lên mọi con chip liên quan tới phần mềm, công nghệ Mỹ, dù là chip “hàng thửa” hay tiêu chuẩn.

TSMC là đối tác chip quan trọng nhất đối với Huawei, giúp công ty Trung Quốc sản xuất phần lớn chip cao cấp tự phát triển trong dòng điện thoại flagship. Tuy nhiên, Richard Yu, CEO bộ phận điện tử tiêu dùng Huawei, thừa nhận họ đã cạn kiệt chip smartphone và sẽ không nhận được chip từ TSMC sau ngày 14/9. Năm nay dường như sẽ đặt dấu chấm hết cho dòng chip Kirin mà Huawei mất 10 năm nghiên cứu. Đây là mất mát lớn với công ty.

Theo Harry Clark, đối tác của hãng luật Orrick (Mỹ), quy định mới chủ yếu hướng tới việc cung ứng chip nước ngoài bán cho Huawei song có thể áp dụng cho các sản phẩm khác ngoài bán dẫn, chẳng hạn tấm nền màn hình. Hầu như mọi tấm nền trên thế giới đều cần nhà cung ứng vật liệu Mỹ như Corning, 3M.

Từ tháng 5, Huawei đã tìm kiếm con chip thay thế Kirin và để mắt tới MediaTek cũng như UNISOC Communications. Tất cả đều được xem là đối tác cung ứng tiềm năng trong tương lai. Huawei cũng không từ bỏ việc thử nghiệm chip Qualcomm với hi vọng sau này Mỹ sẽ nới lỏng lệnh cấm.

Tuy nhiên, gần như tất cả nhà sản xuất chip lớn trên toàn cầu đều cần tới công cụ thiết kế chip đến từ hai công ty Cadence Design Systems và Synopsys, cũng như công cụ sản xuất chip từ Applied Materials, Lam Research… của Mỹ. Edison Lee, nhà phân tích của hãng môi giới Jefferies, nhận xét hi vọng dựa vào chip của bên thứ ba của Huawei đã bị xóa bỏ.

Theo Jonah Cheng, Giám đốc đầu tư tại hãng J&J Investment, Huawei đã trữ lượng hàng tồn kho cần thiết trong ngắn hạn nên lệnh cấm mới nhất chưa có tác động ngay tới hãng. Giới phân tích đang theo dõi sát sao tình hình, để xem chính quyền Mỹ có lật ngược lệnh cấm lên Huawei sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc không hay Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào nếu lệnh được giữ nguyên.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, Mỹ vận động đồng minh và các nước khác loại bỏ Huawei vì cho rằng công ty sẽ trao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc để theo dõi. Tuy nhiên, Huawei chắc chắn không phải đối tượng duy nhất bị thiệt hại mà tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng đều ít nhiều ảnh hưởng.

John Neuffer, Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội ngành bán dẫn Mỹ - tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất chip của Mỹ, cho rằng hạn chế mới sẽ gây gián đoạn lớn tới ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Bán chip cho Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới bán dẫn tại Mỹ, vốn rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và sức mạnh kinh tế. Trước đó, Qualcomm được cho là đang vận động để chính quyền Mỹ cấp giấy phép bán chip cho Huawei do Huawei đóng góp hàng tỷ USD doanh số cho Qualcomm. Số tiền đó có thể giúp gây quỹ phát triển công nghệ mới cho Mỹ.

Micron, một nhà sản xuất chip khác của Mỹ, cũng xin được giấy phép cung ứng một số chip nhớ cho smartphone Huawei. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Micron cảnh báo hồi tháng 6 về tác động của các hạn chế gần đây lên Huawei.

Các doanh nghiệp công nghệ Mỹ khác cũng có thể bị tổn hại nếu Bắc Kinh tiến hành trả đũa chiến lược tấn công Huawei của chính phủ Mỹ.

Tại châu Á, thị trường chip đã ngay lập tức cảm nhận được sức nóng từ lệnh cấm. Cổ phiếu các đối tác cung ứng của Huawei đã giảm mạnh sau khi Mỹ công bố lệnh cấm vận mới. MediaTek giảm hơn 9% trên sàn chứng khoán Đài Loan. MediaTek cho biết sẽ tham vấn luật sư bên ngoài để phân tích và bảo đảm tuân thủ quy định.

Novatek Microelectronics, nhà thiết kế driver màn hình, và nhà sản xuất ống kính camera Largan Precision cũng ghi nhận cổ phiếu giảm lần lượt 8% và 3% trong buổi sáng ngày 18/8. Cả hai đều xem Huawei là khách hàng lớn.

Danh sách các nhà cung ứng chip có liên quan đến phần mềm, công nghệ Mỹ còn có Sony, STMicroelectronics, Samsung Electronics, SK Hynix, Kioxia, Nanya Tech và nhiều nhà phát triển chip Trung Quốc, châu Âu và châu Á. Theo SK Hynix, họ vẫn đang đánh giá phiên bản mới nhất của lệnh cấm Huawei từ Mỹ và chưa thể bình luận được gì vào lúc này.

Tham vọng di động của Huawei còn đối mặt với thách thức mới khi trong tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ hối thúc các công ty gỡ bỏ ứng dụng khỏi cửa hàng trực tuyến Huawei. Huawei đang muốn xây dựng hệ sinh thái ứng dụng và hệ điều hành di động riêng sau khi bị cấm dùng dịch vụ, ứng dụng Google từ tháng 5/2019.

Du Lam (Tổng hợp)

Mỹ chặn nốt khe cửa hẹp của Huawei

Mỹ chặn nốt khe cửa hẹp của Huawei

Chính quyền Mỹ thông báo siết chặt quy định đối với Huawei nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận chip của công ty Trung Quốc.