Từ các cửa hàng truyền thống đến các sàn thương mại điện tử... Việc bán những sản phẩm giả mạo thương hiệu, hàng nhái, kém chất lượng hoặc hàng trốn thuế trên thị trường sẽ làm rối loạn thị trường dụng cụ golf, gây hoang mang cho những khách hàng mua nhầm sản phẩm nhái kém chất lượng.
“Không phải hàng chính hãng, hàng Việt Nam xuất khẩu”
Khảo sát nhiều cửa hàng bán phụ kiện tập golf trên đường Lê Quang Đạo, Phạm Văn Đồng, Trần Phú (Hà Đông), sân golf Phương Đông... PV Báo Lao Động ghi nhận các cửa hàng bán đầy đủ các phụ kiện golf, từ túi đựng gậy, túi đi máy bay, mũ, áo mưa của các thương hiệu Mizuno, Taylormade, Ping, Honma, XXIO, Grandprix, Katana... Tuy nhiên, sản phẩm hầu hết đều là hàng giả, hàng nhái, được sao chép tinh vi, trùng khớp nhất về phần ngoại hình, đôi chỗ người bán hàng còn khẳng định là hàng xách tay trốn thuế.
Tại cửa hàng phụ kiện tập “Vua gậy golf” số 42 Lê Quang Đạo (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần VJG. Theo lời quảng cáo trên Website, công ty này đứng đầu trong lĩnh vực phân phối sản phẩm gậy golf cũ chính hãng Nhật Bản tại Việt Nam, trực tiếp nhập khẩu chính hãng từ Nhật Bản những dòng gậy và phụ kiện có thương hiệu.
Nhân viên một cửa hàng Golf trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra hai sản phẩm túi đựng golf để khách lựa chọn (túi bên trái là hàng thật). Ảnh: Tuấn Cường |
Nhân viên bán hàng khẳng định, đây không phải hàng chính hãng mà là hàng Việt Nam xuất khẩu
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mua túi đựng gậy của thương hiệu Taylormade, nhân viên bán hàng tại đây cho biết - ở đây, ngoài bán túi gậy chính hãng, còn có túi gậy Taylormade là... hàng "Việt Nam xuất khẩu", giá rẻ bằng 1/4 giá của sản phẩm chính hãng.
"Bên em còn túi đựng gậy của Taylormade, túi da đựng được đủ bộ, giá 2,8 triệu đồng. Đây không phải hàng chính hãng mà là hàng Việt Nam xuất khẩu, hàng chính hãng đắt hơn nhiều", nam nhân viên bán hàng nói và cho biết, túi đựng gậy này khác túi chính hãng ở chất liệu da, còn thiết kế... y xì nhau.
Tại sân tập golf Phương Đông (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một trong những sân tập golf lớn nhất Hà Nội, các cửa hàng bán phụ kiện tập golf tại đây cũng bày bán nhiều sản phẩm nhái các thương hiệu lớn trên thị trường.
Đưa ra 2 túi đựng gậy của thương hiệu Taylormade, ông Phương - quản lý sale một cửa hàng trên tầng 2 sân tập Phương Đông khẳng định - đây không phải hàng chính hãng, mà là túi của Việt Nam, giá chỉ 2,1 triệu đồng.
"Túi đựng gậy của Taylormade, Titleist đều là hàng Việt Nam hết, không phải chính hãng. Hàng chính hãng giá hơn 8 triệu đồng, không chơi được. Hàng này giá rẻ, nhưng bền, dùng 3 năm không hỏng được", chủ cửa hàng quảng cáo.
Khi được hỏi về dòng gậy golf, ông Phương đưa ra 2 bộ gậy cũng của thương hiệu Taylormade có giá 23,5 triệu đồng và 21 triệu đồng. Ông Phương khẳng định, đây là dòng gậy cũ, gậy lướt, được xách tay về Việt Nam.
"Với dòng gậy xách tay này, nói nôm na là hàng trốn thuế, gậy mới chỉ có hàng của Ping", ông Phương thừa nhận.
Chuỗi cửa hàng Golf City có trụ sở chính tại tầng 1 toà nhà Bắc Hà Lucky Building (30 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội) được quảng cáo là tập đoàn hàng đầu kinh doanh dịch vụ golf, tuy nhiên, túi đựng gậy tại đây được bán trà trộn giữa hàng thật và hàng nhái, ai có nhu cầu thế nào cửa hàng sẽ phục vụ. Mặc dù không phải túi đựng gậy chính hãng, nhưng theo ghi nhận, giá bán khá đắt, 4 triệu đồng/túi đựng gậy hàng Việt Nam xuất khẩu.
Hàng "fake" (tạm hiểu là hàng giả, nhái...)
Không chỉ bán tại các cửa hàng lớn, phụ kiện tập golf giả, nhái còn được bán trên các sàn thương mại điện tử, ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Hỏi mua áo mưa phục vụ cho việc chơi golf của thương hiệu Taylormade - sản phẩm chưa được phân phối tại thị trường Việt Nam. Song, chúng tôi vẫn tìm được hàng nghìn sản phẩm này được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee.
Các sản phẩm này được bán với giá rẻ bất ngờ, dao động từ 600-700 nghìn đồng trên một sản phẩm.
Qua sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada, chúng tôi lấy số điện thoại được đăng công khai trên sàn, liên hệ trực tiếp người bán hàng và muốn đến tìm hiểu sản phẩm.
Có mặt tại cửa hàng ở khu căn hộ toà nhà Elipse Tower số 110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi thấy hàng trăm sản phẩm phụ vụ golf đủ các loại.
Lấy ra sản phẩm áo mưa thương hiệu Taylormade, người bán còn khẳng định đây là sản phẩm chính hãng của Mỹ. Mặc dù hiện tại sản phẩm áo mưa của thương hiệu Taylormade chưa được phân phối tại thị trường Việt Nam.
Hỏi các sản phẩm tiếp theo như túi đựng gậy, túi đi máy bay, mũ, ô… thì người này thừa nhận đây "đều là sản phẩm "fake", được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, có một đơn vị vận chuyển về Việt Nam, không phải qua trung gian".
"Phụ kiện golf đội lốt xuất xứ Việt Nam đều là hàng giả, hàng nhái"
Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Trực - quản lý Công ty TNHH VH GOLF - nhà phân phối độc quyền các dòng sản phẩm thương hiệu Honma tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Trực, thị trường golf ở Việt Nam hiện nay đang phát triển rất mạnh, sự nhận biết về sản phẩm thật và giả chưa được tuyên truyền nhiều. Do đó có một số thành phần xấu lợi dụng điểm này để trục lợi, bán những sản phẩm nhái các thương hiệu có tiếng như Honma, Titleist, Taylormade, Ping, Majesty...
Bên cạnh đó, các kênh thương mại điện tử quản lý còn lỏng lẻo đã vô tình tiếp tay cho việc bán hàng giả, hàng nhái, làm cho những sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
"Là đơn vị phân phối sản phẩm chính hãng, chúng tôi biết được đã có hàng trăm sản phẩm các thương hiệu golf lớn trên thế giới đã và đang bị làm nhái như túi gậy, túi đồ, dù, quần áo và ngay cả gậy golf", ông Trực khẳng định, đồng thời cho biết, thương hiệu Honma do công ty ông phân phối độc quyền đều là những sản phẩm cao cấp, nên những đối tượng xấu thường lợi dụng điểm này để làm nhái. Từ túi gậy golf, túi đựng quần áo, dù, quần áo đều gắn mác Honma vào.
"Chúng tôi đã có những bài viết để hướng dẫn, trang bị thêm kiến thức cho khách hàng phân biệt sản phẩm gậy Golf thật và giả. Tuy nhiên, sản phẩm quần áo, túi thì họ làm nhái rất tinh vi, chỉ khi nào chúng tôi kiểm tra thực tế về chất liệu và mẫu mã mới phát hiện ra", vị này cho hay.
"Chúng tôi là công ty duy nhất được hãng Honma (Nhật Bản) uỷ quyền phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm in logo thương hiệu Honma mà các chủ cửa hàng khẳng định đây là hàng Việt Nam thì đó chắc chắn là hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu. Chúng tôi khẳng định chỉ có hàng chính hãng và không chính hãng thôi. Cách làm trên của các tiểu thương là vi phạm pháp luật, chứ không thể dùng từ "lách luật". Họ dùng từ ngữ như vậy để đánh lừa khách hàng, tiếp tay cho kẻ xấu bán sản phẩm kém chất lượng và để trục lợi. Chúng tôi lên án và kịch liệt phản đối hành vi bán hàng như vậy", ông Trần Quốc Trực khẳng định.
Việc bán những sản phẩm giảo mạo thương hiệu, hàng nhái, kém chất lượng như trên khi ra thị trường - theo ông Trực "sẽ làm rối loạn thị trường golf, gây hoang mang cho những khách hàng mua nhầm sản phẩm nhái kém chất lượng".
Khách hàng mua sản phẩm nhái, nhưng không biết đó làm hàng nhái, hàng kém chất lượng vô hình chung làm giảm hình ảnh về chất lượng và niềm tin về các sản phẩm chính hãng.
Để ngăn chặn đều này, vị này cho rằng - cần sự phối hợp của rất nhiều bên từ lực lượng Quản lý thị trường, Công an kinh tế, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu Việt Nam... để xử lý nghiêm các cửa hàng bán những sản phẩm hàng nhái và kém chất lượng trên, truy tìm ra nguồn gốc của sản phẩm từ đâu và ngăn chặn từ gốc .
"Về phía chúng tôi, cũng như các hãng thương hiệu khác sẽ đẩy mạnh thêm thông tin kiến thức để trang bị cho khách hàng có sự phân biệt rõ ràng hàng thật - giả.
Về phía khách hàng, chúng tôi khuyến cáo khách hàng nên mua sản phẩm ở những cửa hàng đại lý chính hãng được cấp quyền và bảo vệ bởi hãng.
Tôi hy vọng việc này sẽ được giải quyết triệt để để thị trường Golf Việt Nam được sạch hơn và khách hàng sẽ yên tâm hơn khi mua hàng, góp phần phát triển thị trường Golf ở Việt Nam", ông Trực nói.
"Việc kinh doanh hàng nhái, giả mạo thương hiệu các loại phụ kiện golf gây bất ổn cho nền kinh tế, cái “giá” đắt nhất là sự mất niềm tin trong nhân dân và uy tín của các doanh nghiệp chân chính, nhà nước bị thất thu ngân sách, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng xách tay trốn thuế các mặt hàng phụ kiện tập golf cần có sự phối hợp của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, lực lượng chức năng, các cấp, các ngành mới ngăn chặn được “vòi bạch tuộc hàng giả đang vươn xa khắp nơi”. Theo ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả "Khoảng ba năm trở lại đây, số lượng golfer mới tăng lên đáng kể, đồng hành với đó là rất nhiều thương hiệu gậy golf nổi tiếng thế giới đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển của thị trường dụng cụ golf trong nước, đồng thời dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, theo tôi, cơ hội vẫn còn rất lớn và dành cho tất cả những đơn vị có chiến lược phát triển bài bản, có bản sắc riêng. Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất hiện nay là nạn hàng giả, hàng lậu rất nhiều. Vấn nạn này thực sự là một thách thức với những công ty đại diện thương hiệu golf nổi tiếng thế giới như FootJoy, TaylorMade, Titleist, Honma... hay những đơn vị kinh doanh chân chính như chúng tôi" (Theo ông Mai Anh Tuấn - Giám đốc TAT GOLF) Dụng cụ và phụ kiện golf mặc dù là mặt hàng mới, nhưng đang là thị trường tiềm năng, có giá trị cao. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, chủ thể quyền để thẩm tra, xác minh để có kế hoạch kiểm tra. Các cơ sở kinh doanh mặt hàng này đa số là nhỏ lẻ, cá nhân bán hàng thường bán ở nhà riêng hoặc bán trên mạng. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, chủ thể quyền cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường để chia sẻ thông tin kịp thời, giúp cho công tác kiểm tra, kiểm soát hiệu quả. Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ cho các nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam. |
(Theo Lao Động)