Cung-cầu đảo chiều, giá chênh hạ nhiệt
Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt cùng chính sách ưu đãi nhằm kích cầu thị trường xe nội địa những tháng qua khiến thị trường ô tô nửa đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA bán ra tổng cộng 201.840 xe ô tô các loại, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xe du lịch đạt 157.935 xe, tăng tới 50% so với năm ngoái.
Cùng với các đơn vị thành viên VAMA, Hyundai Thành Công bán ra 36.397 xe, còn hãng xe Việt VinFast cũng đã xuất xưởng 14.695 xe trong nửa đầu năm 2022. Tính gộp 3 đơn vị này, tổng số xe đến tay khách hàng Việt trong 6 tháng đầu năm là xấp xỉ 253.000 chiếc.
Tuy vậy, sau khi đạt đỉnh vào tháng 5 thì doanh số bán hàng của các hãng xe lại giảm mạnh trong tháng 6 vừa qua. Theo VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 6 vừa qua đạt 25.159 xe, giảm tới 42,6% so với tháng trước. Mức giảm tương tự của các mẫu xe Hyundai và VinFast cũng lần lượt là 34,1% và 18,4%.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của việc tiêu thụ ô tô giảm mạnh trong tháng 6 chính là do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã hết hạn vào 31/5. Khi chính sách này không còn dẫn tới nhu cầu của khách hàng giảm mạnh thì lượng tiêu thụ của thị trường đi xuống là điều dễ hiểu.
Ngược lại, nguồn cung của thị trường xe trong tháng 6 vừa qua vẫn khá dồi dào. Theo Tổng cục Thống kê, tổng lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 6 ước đạt 42.000 chiếc, còn lượng xe nhập khẩu về nước ước đạt 15.000 chiếc. Số lượng này không kém hơn nhiều so với nguồn cung của tháng 5.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng xe mới bao gồm cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu ước đạt 298.236 chiếc và tăng nhanh ở những tháng giữa năm. Trong đó, lượng xe "nội" gấp khoảng 3,5 lần so với xe nhập ngoại.
Nếu so sánh con số 298.236 chiếc này với tổng doanh số bán hàng 6 tháng đầu năm xấp xỉ 253.000 chiếc như số liệu của VAMA, Hyundai Thành Công và VinFast đã nêu ở trên, có thể thấy nguồn cung đầu vào đang nhiều hơn so với lượng tiêu thụ 17,7%. Như vậy, trên lý thuyết, thị trường Việt Nam đang không thiếu xe.
Theo khảo sát của PV VietNamNet tại một số đại lý ô tô ở Hà Nội và TP.HCM, lượng khách hàng trong tháng 7 đã không còn đông như cách đây 2 tháng. Một số mẫu xe hot từng nổi tiếng với mác bán "bia kèm lạc" như Toyota Veloz, Hyundai SantaFe/ Tucson hay Ford Ranger,... đã dần hạ nhiệt và giá chênh cũng giảm đáng kể.
Đơn cử như mẫu Hyundai SantaFe phiên bản máy xăng đặc biệt, nếu như vào thời điểm tháng 3 vừa qua, khách hàng muốn lấy xe có thể bị đại lý báo chênh đến 200-250 triệu tiền phụ kiện lắp thêm thì tại thời điểm này, "gói lạc" chỉ còn khoảng 50-60 triệu và đại lý đảm bảo có xe giao ngay sau vài tuần đặt hàng.
Anh Nguyễn Anh Thế, phụ trách bán hàng của một đại lý Hyundai cho biết, vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5, nhu cầu khách hàng tăng lên rất cao với các dòng xe đời mới sản xuất trong nước, trong khi lượng xe về các đại lý nhỏ giọt do thiếu linh kiện dẫn tới khan hàng.
Còn ở thời điểm tháng 7 như hiện tại thì ngược lại, khi lượng xe mới xuất xưởng và đến với các đại lý dồi dào hơn thì nhu cầu mua xe của người dân lại giảm xuống. Điều này đã khiến cung-cầu trở nên cân bằng hơn.
Xe mới cấp tập ra mắt
Tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua cũng đạt kỷ lục khi hàng loạt mẫu xe mới được ra mắt khách Việt. Theo thống kê của VietNamNet, chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã có tới khoảng 10 mẫu xe mới trình làng, từ những dòng xe đa dụng như Ford Everest, Honda HR-V, KIA Sportage; xe MPV như Mitsubishi Xpander; hay gần đây nhất là cặp đôi của Nissan: Navara và Almera,...
Xe mới thi nhau trình làng giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn chất lượng, đồng thời khiến những mẫu xe vốn đang bị "bia kèm lạc" trở nên bớt hot và trở về đúng với giá trị thực hơn.
Anh Đỗ Thành Nam (quận 3, TP.HCM) định đặt mua 1 chiếc Toyota Veloz Cross từ tháng 4, tuy vậy, do thiếu xe và đại lý báo giá chênh đến gần 100 triệu nên anh Nam đành "lắc đầu". Sau đó, anh tìm hiểu sang dòng Mitsubishi Xpander mới và chốt luôn một chiếc phiên bản Premium vào tháng 6 vừa qua.
"Dù vẫn thích dáng của Veloz nhưng tôi thấy việc quyết định tậu Xpander đời mới là hợp lý và quan trọng là còn tiết kiệm được hơn trăm triệu", anh Nam chia sẻ.
Nhận định chung về thị trường, nhiều dân sales (nhân viên bán ô tô) cho biết, trong khoảng 2 tháng tới sẽ là giai đoạn trầm xuống của thị trường bởi tháng 8 năm nay gần như trùng vào tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là tháng Ngâu. Đây thường là thời điểm mà lượng tiêu thụ xe xuống thấp nhất năm bởi tâm lý kiêng mua tài sản lớn của nhiều người Việt.
"Giai đoạn này của những năm trước thậm chí nhiều hãng xe và đại lý phải khuyến mại sâu, giảm giá sốc để hút được khách. Năm nay, do nguồn cung thiếu hụt nên sẽ hơi khác. Có điều, khách hàng sẽ khó chấp nhận kiểu bỏ tiền mua xe mà phải 'kèm lạc' như trước nữa", anh Vũ Tuấn Long, phụ trách bán hàng của một đại lý Mazda cho hay.
Với góc nhìn bao quát, chuyên gia phân tích thị trường Nguyễn Văn Phương cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thị trường là cung và cầu.
Khi cán cân cung-cầu bị đảo ngược, tức là nguồn cung xe mới nhiều lên trong khi đó nhu cầu mua sắm ô tô của người dân giảm đi thì thị trường sẽ hết cảnh "sốt xình xịch" như trong thời gian khoảng 2-3 tháng trở lại đây. Đồng thời, kiểu bán hàng "bia kèm lạc" sẽ dần bị tẩy chay và hết đất diễn.
"Từ tháng 6, thị trường đã không còn bị chi phối bởi lực hút từ chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe trong nước nên tôi dự đoán trong 3 tháng tới, lượng tiêu thụ vẫn ở mức khá cao nhưng sẽ giảm nhiệt dần trước khi tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh các hãng sản xuất bị hụt sản lượng do thiếu chip toàn cầu mà nguồn cung bao gồm lượng xe sản xuất trong nước lẫn xe nhập khẩu đều tăng là tín hiệu vui cho thị trường mà khách hàng là những người được hưởng lợi", chuyên gia Nguyễn Văn Phương nói.
Hoàng Hiệp
Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!