Bão số 3 Yagi mạnh nhất trong vòng 30 năm 

TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra những phân tích, đánh giá khí hậu nổi bật từ tháng 1-12/2024 trên phạm vi cả nước.

Theo đó, trong năm 2024, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 11 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Ông Lâm cho biết, số lượng bão/ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN: 11-13 cơn). Mùa bão năm 2024 đến phù hợp với TBNN (30/5/2024) và kết thúc (25/12) muộn hơn.

Trong đó, ông Lâm cho biết, có 5 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta gồm: bão số 2 (Prapiroon), bão số 3 (Yagi), bão số 4 (Soulik), bão số 6 (Trà Mi) và bão số 7 (Yinxing). 

w bao yagi 5 2970 1549 3038.jpeg
Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh gây thiệt hại lớn. Ảnh: Thạch Thảo

Đặc biệt, cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 10-12, giật cấp 13-15, riêng trạm Bãi Cháy ở độ cao 34m quan trắc được gió mạnh cấp 14, giật cấp 17. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12-14. Thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. 

“Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây”, ông Lâm nhận định.

Cũng theo ông Lâm, từ tháng 1-12/2024, trên cả nước xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong đó, đợt mưa lớn từ đêm 6-12/9 do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sau ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão này, ở Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Tại 83/84 trạm đo ở Bắc Bộ, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với TBNN trong 10 ngày đầu tháng 9 như: Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với TBNN cùng thời kỳ. 

Theo các chuyên gia khí tượng, đợt mưa này đã gây lũ lớn ở Bắc Bộ và gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh vùng núi và trung du.

Ngoài ra, trong các tháng năm 2024, tại nhiều nơi đã xảy ra giá trị tổng lượng mưa tháng và ngày vượt giá trị lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.

Thiên tai năm 2024 diễn ra khốc liệt, cực đoan, khiến 514 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng hơn 88.748 tỷ đồng.

Nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao bị xô đổ

Đánh giá về tình hình nắng nóng trong năm qua, ông Lâm thông tin, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện 19 đợt nắng nóng trên diện rộng, ít hơn 1 đợt so với năm 2023, nhưng số ngày trong một đợt kéo dài. 

Theo phân tích của cơ quan khí tượng, đợt nắng nóng dài nhất trong năm xảy ra ở miền Đông Nam Bộ với 70 ngày (từ 8/3-16/5), trong đó nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ kéo dài 47 ngày (từ 29/3-14/5). 

W-nang-nong-namkhanh-6-1.jpg
Kỷ lục về nhiệt độ cao liên tiếp bị xô đổ. Ảnh: Nam Khánh

Cũng trong năm này, nhiều giá trị kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận. Thống kê vào tháng 4/2024 đã có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị), nhiệt độ cao nhất ngày 28/4/2024 đo được là 44 độ, đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay và lớn thứ 3 trong lịch sử đo đạc tại Việt Nam.

Không khí lạnh hoạt động mạnh

TS. Hoàng Phúc Lâm thông tin, năm 2024 xuất hiện 21 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta và gây ra 4 đợt rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó, đợt KKL vào ngày 20/1 và được tăng cường vào 22/1 kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao đã gây ra đợt rét đậm, rét hại từ 22-29/1 ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; riêng thời kỳ từ 23-28/1 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại; một số nơi thuộc vùng núi cao Bắc Bộ xuất hiện băng giá như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng),... 

Tại trạm Mẫu Sơn quan trắc được nhiệt độ thấp nhất là -3 độ; trên Vịnh Bắc Bộ ghi nhận được gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Ngoài ra, đợt KKL ngày 11/12 gần đây đã gây ra đợt rét đậm diện rộng đầu tiên của mùa Đông Xuân năm 2024-2025 ở khu vực Bắc Bộ trong ngày 14-15/12/2024; riêng ở khu vực vùng núi Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất ghi nhận ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 3,2 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 5,2 độ…

Dự báo về các hình thái thời tiết cực đoan trong giai đoạn từ nay đến giữa năm 2025, TS. Lâm nhận định, La Nina đang hoạt động, thiên tai cực đoan có khả năng xảy ra.

Nhận định tháng 2 tới, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh, kèm theo đó là các đợt rét đậm, rét hại. Tình trạng này có thể đi kèm sương muối, băng giá tại khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét và mưa đá cũng dự kiến xảy ra trên phạm vi toàn quốc, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và sức khỏe người dân.

XEM THÊM: