Thịt dê là loại thịt thực phẩm phổ biến ở một số đất nước như Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Pakistan, Ấn Độ và một số vùng ở Việt Nam. Thịt dê được cho là một loại thực phẩm bổ dưỡng và có công dụng trong việc tăng cường khả năng sinh lý.
Loại thịt này có mùi vị thơm ngon, có tác dụng bổ dưỡng, giữ ấm rất tốt, rất thích hợp ăn trong mùa lạnh. Thịt dê có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu, tăng thân nhiệt, có ích trong chữa trị bệnh lao, viêm phế quản, hen suyễn.
Theo y học hiện đại phân tích, trong 100g thịt dê có chứa thành phần gồm nước, protein, chất béo, cholesterol, vitamin A, E và một số khoáng chất vi lượng như canxi, phốt pho, kali, natri, kẽm, sắt, selen, đồng... 100 gram thịt dê cung cấp khoảng 203 calo.
Theo Đông y, thịt dê (dương nhục) có vị ngọt, tính nóng, là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giúp chữa được nhiều chứng bệnh. Các bộ phận khác của dê đều có thể làm thực phẩm và cũng có thể làm thuốc. Ví dụ gan, thận, dạ dày, tinh hoàn.
Dưới đây là một số tác dụng của loại thịt này:
Tăng cường sức lực: Thịt dê không độc, có tác dụng trợ dương, bổ huyết, chữa lao phổi, người gầy yếu. Nếu ăn liên tục 30-40g/ngày các món ăn chế biến từ thịt dê, có thể khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau khi sinh nở.
Tốt cho các bệnh hô hô hấp: Thịt dê còn có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu, tăng thân nhiệt, làm tăng các enzym giúp tiêu hóa thức ăn. Chứa nhiều chất dinh dưỡng phong phú nên thịt dê có ích trong việc chữa trị một số các bệnh như: lao, viêm phế quản, hen suyễn...
Tăng cường sinh lý: Tác dụng này được nhiều người quan tâm. Do dê đực là con vật có khả năng giao phối nhiều lần trong ngày. Vì vậy, trong dân gian quan niệm dê là loại thức ăn tăng cường sức khỏe, đặc biệt là khả năng tình dục. Thịt dê hay được chế biến thành các món ăn để bổ thận tráng dương, ít tinh trùng, yếu sinh lý. Đặc biệt, tinh hoàn của dê có tác dụng trị thận suy, liệt dương, hoạt tinh.
Chữa bệnh đau nhức xương khớp: Hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc: Tinh hoàn dê (ngọc dương) và thận dê có tính bổ dương. Cao dê chữa bệnh đau lưng, tiết dê pha rượu giúp bổ huyết, chữa đau đầu, choáng váng. Trong dân gian, món ăn bồi bổ từ thịt dê có tác dụng chữa trị các chứng bệnh đau lưng mỏi gối, hoa mắt, ù tai.
Chữa bệnh tiêu hóa kém: Những người mệt mỏi có thể sử dụng dạ dày dê chế biến thành các món ăn giúp cải thiện tình tiêu hoá kém, buồn nôn sau bữa ăn.
Ai cần hạn chế ăn?
Lưu ý, khi ăn thịt dê cần phải chú ý đến tình trạng cơ thể nếu không sẽ gây tác dụng ngược.
Một số bệnh kỵ thịt dê như chứng lở mồm long móng, loét lưỡi, đau mắt đỏ, miệng đắng, bực bội, yết hầu đau khô, đau nhức sưng chân răng hoặc người bị đau bụng đi ngoài.
Hàm lượng đạm, mỡ của thịt dê cao nên người bị rối loạn chuyển hoá lipid, bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi ăn, không nên ăn nhiều trong một bữa, ăn nhiều lần trong tháng.
Khi ăn thịt dê, bạn không nên ăn cùng với dấm, kỵ ăn cùng với dưa hấu, kỵ uống trà sau khi vì dễ gây ra táo bón. Bạn không nên ăn thịt dê cùng với bí đỏ do hai loại này đều có tính nóng, khi hấp, nấu thịt dê cũng không nên cho nhiều thực phẩm điều vị và tính nóng như ớt cay, hạt tiêu, gừng, đinh hương, hồi hương...
Khi mua và sử dụng thịt dê, người dân cần lựa chọn hàng đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực tế, có nhiều vụ việc các cơ quan chức năng đã thu giữ thịt dê đông lạnh đã bị bốc mùi.
Lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội
Tác dụng của phần thịt lợn 'giá rẻ như cho'
Cách chế biến thịt lợn thành bài thuốc tốt