Giá trị bài thuốc từ các loại thịt lợn
Thịt lợn là nguồn cung cấp protid, lipid, vitamin và khoáng chất giúp bồi bổ cơ thể. Các bộ phận của thịt lợn, tiết, lòng, móng giò, mật, da khi biết cách kết hợp với các vị thuốc Đông y còn có tác dụng chữa bệnh.
Theo Đông y, thịt nạc lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình; vào tỳ vị thận, có tác dụng tư âm nhuận táo. Dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn, sốt cao, mất nước, ho khan, táo bón, đái tháo đường, suy kiệt thiểu dưỡng.
Thịt mỡ lợn (trư chi cao) vị ngọt, tính lương, vào phế, đại tràng, có tác dụng bổ hư nhuận táo. Dùng cho các trường hợp ho khan, táo bón, khô da, nứt nẻ da.
Chân giò (trư đề) vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh vị, có tác dụng bổ huyết, thống nhũ, sinh cơ liền sẹo. Dùng cho các trường hợp huyết hư, suy nhược, sản phụ ít sữa, mụn nhọt lở ngứa.
Bóng bì lợn (trư phu) là bì lợn đã được chế biến nướng phồng, được đem nhúng nước cho mềm, để nấu các món canh lẩu, một kiểu ăn nhẹ dễ tiêu. Các món ăn có bóng đều có tác dụng dưỡng da, nhuận tràng. Bóng bì lợn vị ngọt, tính lương; vào thận, phế, có tác dụng nhuận phế, trạch phu (bổ phế dưỡng da), bổ âm. Dùng cho các trường hợp khô rát, bong da, đau sưng họng.
Các bài thuốc từ thịt lợn
Thịt lợn nấy với kỷ tử: Thịt nạc thăn 200g, kỷ tử 15g và thê, đương quy 20g, đại táo 10 quả, cho vào nấu thành canh, nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi dùng, vớt bỏ bã đương quy. Bài thuốc này có tác dụng bổ âm, bổ huyết, bổ can thận, dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt, cơ thể suy nhược, huyết hư thiếu máu, người bị bệnh lâu ngày mỏi mệt, gầy yếu.
Thịt lợn hầm: Thịt heo 500g thái lát to, cho nước, đun to lửa, hớt bỏ váng bã, gạn lấy nước, thêm muối tiêu, gia vị, để nguội cho uống. Dùng cho bệnh nhân bị nhiệt bệnh sốt cao mất nước.
Canh chân giò: Chân giò 2 cái, mộc thông 21g. Đem mộc thông nấu lấy nước, bỏ bã, nấu với chân giò, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho sản phụ sau đẻ bị tắc sữa, ít sữa.
Cháo thịt heo: Thịt nạc 200g, cà rốt 1 củ, khoai tây 1 củ, 100g gạo ngon. Thịt nạc heo xay nhỏ, cà rốt, khoai tây thái hạt lựu. Cho thịt heo, khao tây, cà rốt vào xào thơm, nên thêm nước, cho gạo vào, nấu thành cháo nhuyễn. Món chào này bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, có thể dùng cho trẻ em, sản phụ sau sinh, người mới ốm dậy… để phục hồi sức khỏe.
Cao bì lợn: Bì lợn 60g, cạo sạch, hơ trên bếp than cho chín phồng, đem nấu thành cao lỏng, cho thêm bột gạo rang và mật nấu sắc thành cao. Ăn khi đói, mỗi lần 1 thìa, ngày 3-4 lần. Dùng cho các trường hợp khô rát da, bong da mặt và nhăn thành nhiều nếp, các trường hợp đau sưng họng, môi khô họng khát, cảm giác nóng sốt sau bệnh viêm nhiễm dài ngày, táo bón kiết lỵ.
Canh bì lợn và đại táo: Bì lợn tươi 500g, đại táo 250g, đường phèn lượng thích hợp. Đem bì lợn làm sạch thái lát dài, thêm nước nấu dạng canh lỏng, khi bì lợn đã chín nhừ cho thêm đại táo đã tách bỏ hột, tiếp tục nấu cho chín nhuyễn; cho tiếp đường phèn khuấy đều, để nguội. Chia ăn vào các bữa phụ điểm tâm thường ngày. Dùng cho các trường hợp xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng...
Lưu ý, thịt lợn có giá trị dinh dưỡng cao nhưng tránh dùng nhiều đặc biệt là thịt lẫn mỡ có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu dẫn đến xơ mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, béo phì. Do đó, những người có bệnh trên nên hạn chế ăn thịt lợn.
Lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội