Xã hội thay đổi, thời đại công nghệ máy móc thay thế tay chân, các nghề thủ công cũng dần mai một. Thế nhưng vẫn có những người vì yêu nghề, muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống mà luôn miệt mài với nghề thủ công được cha ông truyền lại.
VietNamNet giới thiệu tới quý độc giả tuyến bài "Những nghề truyền thống còn sót lại".
Bốn đời làm thợ kim hoàn tại ngôi nhà hơn 100 tuổi giữa phố cổ
Phố Hàng Bạc (Hà Nội) nhiều năm qua vẫn luôn nổi tiếng với những cửa hàng trang sức. Dọc theo con phố là các cửa hàng bán đồ vàng, bạc lung linh. Xen kẽ với đó là một căn nhà mà người thợ ngày ngày tay đe, tay búa tạo ra những tác phẩm trang sức thủ công tinh xảo.
Đó là căn nhà của ông Nguyễn Chí Thành (73 tuổi).
Căn nhà ông Thành đang ở có tuổi đời hơn 100 năm. Gia đình 4 thế hệ của ông đều làm kim hoàn thủ công tại chính căn nhà này.
Gia đình ông Thành vốn là người làng Định Công - gốc tổ nghề kim hoàn. Sau này, cả nhà chuyển về phố Hàng Bạc. Ngoài ông Thành, con và cháu của ông cũng đang tiếp tục theo đuổi nghề, cùng làm trong căn nhà số 83.
Ông kể, ngày bé, những tiếng đục, dũa của bố đã ăn sâu vào tâm trí ông. Lên 10 tuổi, ông thử tập tành làm nghề, chế tác các tác phẩm bằng bạc. Thế nhưng khi đó tay còn yếu, ông rất khó để tay đe, tay búa.
Những sản phẩm ban đầu ông làm ra đều được bố sửa lại. Sau này khi thuần thục hơn, ông bắt đầu rút ra kinh nghiệm cho mình và tạo được những sản phẩm đẹp. Dần dần, ông yêu nghề, làm nghề bằng chính tình yêu và cái tâm do ông bà, bố mẹ truyền lại.
Bàn làm việc đơn sơ, có những dụng cụ gắn bó với ông Thành gần trăm năm, do ông bà, bố mẹ để lại.
Hiện tại, tầng 1 của căn nhà là nơi ông và một người cháu đang bày bàn làm việc. Chiếc bàn gỗ cũ hằn sâu dấu vết thời gian. Theo ông Thành, tuy là đồ cũ nhưng đều là các món đồ được ông bà, bố mẹ để lại. Có những món đã gắn bó với ông gần 70 năm, có món tuổi đời cả trăm năm, giá trị không gì có thể thay thế.
Ông tận dụng chiếc lon bia chế thành vỏ bóng đèn vàng treo trước mặt để tập trung ánh sáng. Thợ kim hoàn lão làng cho biết, làm trang sức thủ công đòi hỏi tay phải chuẩn, không được run, mắt cũng phải tinh tường.
Ở tuổi 73, đôi tay của ông Thành vẫn rất chắc chắn, chuẩn chỉ. Riêng mắt, ông phải đeo kính để tăng thêm độ chuẩn xác. Nói rồi, ông thử thao tác ngay trên bàn làm việc một cách điêu luyện.
Theo ông, trang sức muốn đẹp không cần quá nhiều vàng, vừa đủ, tinh giản, thanh mảnh mới sang. Để tạo được một chiếc lắc bạc, người chế tác phải trải qua nhiều công đoạn: Nấu bạc cho chảy; dùng búa đập dẹt; làm dài thanh bạc; uốn cong thành vòng; tạo họa tiết... Tất cả công đoạn này đều được người thợ làm bằng tay công phu, tỉ mỉ.
Chiếc đe gỗ là đồ dùng gắn bó với ông hơn 70 năm. Với ông, đó không chỉ là món đồ phục vụ công việc mà còn là kỉ niệm, là ký ức từ thời ông bà, bố mẹ để lại.
Ông cười kể: “Tôi quý những dụng cụ này như sinh mạng của mình, cũ cũng không vứt bỏ. Ngay cả mẩu gỗ nhỏ, nếu hỏng, chúng tôi sẽ mang đi đốt chứ không vứt vào thùng rác. Trước đây, gia đình tôi từng đốt một mẩu gỗ làm đế đe cũ. Sau đó tôi mang tro đi đãi, lọc ra được gần chỉ vàng. Bởi lúc làm, bụi vàng rơi xuống dưới, bám vào đế đe. Nhiều năm tích tụ lại cũng được ngần ấy”.
Nhiều năm qua, con phố Hàng Bạc sầm uất, các cửa hàng bán trang sức sẵn nổi lên nhiều nhưng ông Thành vẫn kiên định với nghề và còn truyền lại cho con, cho cháu.
Còn khách là chúng tôi còn 'sống'
Sản phẩm do cửa hiệu ông Thành làm ra đều có kí hiệu riêng, dễ dàng nhận biết. Đó là chữ viết tắt tên của ông.
Theo ông, cái khó của nghề kim hoàn thủ công chính là người thợ phải biết ước lượng nguyên liệu chế tác sao cho hợp lý, để sản phẩm làm ra chuẩn và đủ. Thiếu nguyên liệu sẽ không tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh. Nguyên liệu thừa sẽ khiến sản phẩm bị thô, không được tinh xảo, thanh mảnh, sang.
"Có lẽ tôi là người cao tuổi duy nhất ở Hàng Bạc này làm nghề kim hoàn truyền thống. Gia đình tôi gọi là thủ công mỹ nghệ. Còn các sản phẩm bày bán khác là mỹ nghệ công nghiệp, hầu hết giống nhau. Tôi làm theo yêu cầu của khách hàng. Khác biệt của chúng tôi chính là có thể sửa, làm, chế tác theo yêu cầu. Vậy nên nhiều người cần đều đến cửa hiệu của tôi”, ông Thành nói.
Không chỉ đời ông, đời bố mà cả bà nội và mẹ của ông Thành cũng tham gia làm nghề. Nên theo ông dù là đàn ông hay phụ nữ nếu đam mê với nghề đều có thể làm được.
Hiện tại, con và cháu của ông thành cũng theo đuổi nghề. Cửa hàng của ông vẫn thường xuyên có khách đến đặt sửa chữa, chế tác. Ông cho biết, khách nước ngoài hay Việt kiều rất thích các món đồ tại tiệm vàng Chí Thành.
Theo ông, người dùng phải thực sự tinh tế mới thẩm thấu được nét đẹp của món trang sức được làm bằng tay.
Dụng cụ, bàn làm việc rõ dấu tích thời gian.
Dù làm nghề kim hoàn nhiều năm nhưng ông Thành khá giản dị. Trên người ông không đeo món trang sức nào ngoài chiếc nhẫn.
Ông nói: "Tôi cho rằng công việc của mình là làm đẹp cho người. Bản thân tôi thích sự giản đơn giống các cụ. Tôi cũng không thích đeo nhiều trang sức, vàng bạc. Theo tôi, không cần phải chưng trang sức ra ngoài người ta mới biết mình giàu có hay sang trọng".
Ông Thành truyền lại nghề cho con, cho cháu với hi vọng mãi giữ được nét đẹp của nghề truyền thống.
"Tôi gắn bó với nghề bởi tôi muốn giữ gìn truyền thống của ông cha. Tôi thường nhận làm theo yêu cầu của khách. Các sản phẩm thủ công đòi hỏi phải tỉ mỉ, có hồn riêng và rất mất thời gian chế tác. Có món mất 1 ngày nhưng có món phải vài ngày, hàng tuần mới hoàn thành.
Tôi tin những người thích cái đẹp truyền thống sẽ luôn tìm đến tôi. Còn họ là chúng tôi còn có thể ‘sống’”, ông Thành bộc bạch.