Đến phố cổ Hà Nội, người ta dễ dàng bị thu hút bởi ngôi nhà có kiến trúc xưa độc đáo tại số 42 phố Hàng Cân.
Xung quanh những ngôi nhà đã được sửa sang theo phong cách hiện đại, căn nhà của gia đình bà Lê Thị Thanh Tâm (79 tuổi) gây chú ý với mái ngói và cửa bằng gỗ lim.
Giữ nhà cổ, giữ giá trị văn hóa gia đình
Ngôi nhà ở số 42 phố Hàng Cân do bà Lê Thị Thanh Tâm trông coi được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Nơi đây khi xưa là cửa hiệu Ích - An và là nơi lưu giữ những kí ức tốt đẹp về gia đình 5 thế hệ tại phố cổ Hà Nội.
Tấm biển hiệu “Ích - An” hiện vẫn treo ngay bên trong cửa chính. Bà Tâm cho biết: “Ích - An là tên ngày xưa các cụ đặt cho ngôi nhà này. Thời các cụ, đây là nơi kinh doanh hàng tạp hóa nổi tiếng thời bấy giờ. Cái tên này mang ý nghĩa tích cực. “Ích” là sống có ích, “An” là luôn an yên, vui vẻ, may mắn”.
Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế với tổng diện tích trên 100m2. Chiều dài của ngôi nhà hơn 40m nên ngồi bên ngoài khó có thể nhìn hết vào bên trong.
Ở tầng 1, có một phòng khách, hai giếng trời để lấy ánh sáng vào nhà, phòng bếp và nhà vệ sinh. Trên gác hiện là nơi thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Ngôi nhà có thiết kế hình ống độc đáo. Nhìn tổng thể từ bên ngoài, nơi đây giống như một chiếc hộp diêm. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là toàn bộ trần nhà, cột gỗ, cửa sổ, cửa lớn, hệ thống cầu thang đều được làm bằng gỗ lim, tồn tại hơn 130 năm.
Bà Tâm cho biết, trước đây sàn nhà tầng 1 lát bằng gạch đỏ. Sau này gia đình sửa sang thành nền gạch men. “Sàn gạch có nhiều chỗ lồi trũng, trẻ con tập đi hay bị ngã. Các cháu của tôi đến tuổi chập chững biết đi ngã nhiều nên gia đình sửa thành sàn gạch men như hiện tại”.
Cửa chính, trần nhà, cột nhà được thiết kế bằng gỗ lim, tồn tại hơn trăm năm.
“Cả khu phố này, hầu hết các nhà đều sửa sang mặt tiền, sơn màu theo kiến trúc hiện đại, cho thuê mặt bằng kinh doanh. Nhưng gia đình tôi vẫn không cho ai thuê ở, cũng chưa từng cho ai mượn mặt bằng để kinh doanh dù nhà rất rộng.
Nhìn những đồ đạc cổ kính, tôi lại nhớ một thời cả nhà cùng chung sống. Chúng tôi muốn giữ gìn những nét đẹp mà các cụ để lại. Đó là công sức bao năm của các cụ, của ông bà, cha mẹ”, bà Tâm chia sẻ.
Mỗi tuần, con cháu lại về sum vầy bên gia đình, ăn những bữa cơm do bà Tâm chuẩn bị. Ngồi quây quần bên mâm cơm, bà Tâm và các con luôn nhắc nhở nhau về đạo lý sống, về những bài học mà ông cha truyền lại.
Du khách mê kiến trúc căn nhà
Theo bà Tâm, ngôi nhà thiết kế sâu bên trong, rất mát mẻ. Mỗi lần đặt chân đất xuống nền, bà cảm nhận rõ sự thoải mái. Căn nhà rộng và dài nhưng bà Tâm không quản nhọc, luôn dọn dẹp sạch sẽ.
“Ai vào đây cũng khen nhà đẹp, thoáng mát, thoải mái. Rất nhiều người đến lần đầu, không quen biết nhưng vẫn xin vào thăm thú ngôi nhà vì bị cuốn hút bởi kiến trúc xưa”, bà Tâm nói.
Bà nhớ có một vị khách miền Nam ra Hà Nội chơi và đến thăm nhà của bà. “Họ biết đến ngôi nhà của tôi qua báo chí nên muốn đến xem tận mắt.
Không biết cả hai nói chuyện thế nào mà tôi cho cô ấy ở đây nửa ngày, còn dẫn đi thăm hết phòng này, chỗ kia của căn nhà. Đến mức con gái tôi còn bảo ‘mẹ dễ quá, không sợ bị người ta lừa ạ’. Tôi cũng không hiểu tại sao mình làm vậy vì không phải người lạ nào đến tôi cũng tiếp. Tôi cho đó là cái duyên giữa người với người”, bà nói.
Không chỉ người Việt Nam, khách nước ngoài cũng rất thích kiến trúc cổ của ngôi nhà. Bà Tâm kể, có một vị khách nước ngoài mỗi lần sang thăm Việt Nam đều đến thăm nhà của bà. Ông còn đề nghị bà giữ nguyên bản ngôi nhà cổ, không sửa chữa để giữ gìn nét đẹp truyền thống. Ông mong được ngắm những nét đẹp cổ xưa của Hà Nội tại ngôi nhà này.
Hiện nay, nhiều du khách đến phố cổ Hà Nội nán lại ngắm ngôi nhà của bà và chụp ảnh lưu niệm.
Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà cổ số 42 Hàng cân là minh chứng tiêu biểu cho những năm tháng thăng trầm của Thủ đô Hà Nội. "Tôi rất tự hào khi được sống trong căn nhà này, được giữ gìn những nét đẹp truyền thống gia đình và giữ gìn giá trị văn hóa các cụ gửi gắm. Đối với tôi đây chính là nhà, chính là quê hương" bà Tâm chia sẻ.