Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm nằm ở bên dòng sông Ðồng Giang thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Tương truyền, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu là người về đây dựng lán trại, truyền nghề cho dân làng. Đến nay, sau gần 600 năm, nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn được gìn giữ và phát triển.
Âm vang truyền thống
Đặt chân đến Đồng Xâm, âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe thấy là tiếng búa gõ vào kim loại leng keng, vang khắp xóm làng.
Theo các thợ có thâm niên trong nghề, nghề bạc gồm các kỹ thuật chính: Trơn, đấu, đậu và chạm.
Trơn là làm nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là ghép các chi tiết vào với nhau. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như tóc, tạo những họa tiết hoa văn gắn vào sản phẩm. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, họa tiết như chạm ám, thúc nổi… lên mặt sản phẩm.
Làng Đồng Xâm nổi tiếng về chạm. Đây cũng là kỹ thuật khó nhất bởi sản phẩm hoàn thành có tinh xảo hay không phụ thuộc vào công đoạn này.
Để làm ra những sản phẩm tinh xảo, vừa lấp lánh ánh kim, vừa mềm mại có “hồn”, bản thân người thợ phải có năng khiếu, yêu nghề, óc sáng tạo, hiểu rõ thủ pháp xử lý sáng - tối, tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc và vận dụng những kỹ thuật chế tác tài tình, khéo léo để tạo nét cho sản phẩm.
Không những thế, công đoạn chế tác này còn đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Chính sự chỉn chu, tinh tế, tay nghề điêu luyện của người thợ đã tạo ra sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm nổi trội hơn so với hàng bạc của nơi khác, từ kiểu dáng đến bố cục trang trí.
Ông Nguyễn Thế Dân (68 tuổi, trú tại xã Hồng Thái), người đã có 40 năm tuổi nghề chia sẻ, để hoàn thiện một sản phẩm cần qua rất nhiều công đoạn, như từ nguyên liệu thô chế thành tấm, gò thành những hình khối, cuối cùng là chạm.
Cái khó của nghề thủ công là muốn chế tác sản phẩm nào, người thợ phải tự hình dung ra được khối lượng công việc cần làm và nghĩ ra cách làm. Làm đến đâu, nghĩ đến đấy, khi sản phẩm hoàn thiện mới cảm nhận được đúng hay sai.
Nét tinh hoa nhất của làng nghề Đồng Xâm là việc thúc nổi các họa tiết, hoa văn được làm bằng tay, không có máy móc nào có thể thay thế.
Kế thừa bí kíp của cha ông, những người thợ của làng nghề Đồng Xâm chỉ cần những công cụ thô sơ như đinh, búa… cũng có thể chạm, khắc ra các sản phẩm với đường nét hoa văn tinh xảo.
Ngoài chạm, đấu cũng là công đoạn cần độ chính xác cao. “Đấu là công đoạn gần như cuối cùng, yêu cầu tay phải chuẩn, quan trọng nhất phải biết kiểm soát ngọn lửa để không làm chảy bạc, dẫn đến hỏng sản phẩm. Đó là công đoạn khó nhất của hàn ghép bạc”, ông Dân cho hay.
Theo ông Dân, để học được nghề chạm bạc không phải dễ, bởi không phải ai cũng có đủ tâm huyết, đủ kiên trì để tôi luyện nghề. Tuy nhiên, người nào học thành thạo, sẽ rất yêu nghề thủ công này.
Mang tinh hoa vươn xa
Cũng giống như những nghề thủ công truyền thống khác, nghề chạm bạc Đồng Xâm từng có thời kỳ rất hưng thịnh, có giai đoạn lao đao, đối mặt nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, nhờ chất lượng sản phẩm nổi trội, hiện nghề chạm bạc Đồng Xâm đã được vực dậy, có chỗ đứng riêng.
Ông Triệu Đăng Khoa, Chủ tịch Hội làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cho biết, trước đây 70-80% người dân tại đây làm nghề thủ công, nhưng hiện chỉ còn khoảng 40%.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài sản phẩm chạm bạc truyền thống, làng nghề Đồng Xâm gần đây còn phát triển cả những mặt hàng chạm đồng hoặc mạ bạc. Dù thuộc dòng nào thì các sản phẩm của Đồng Xâm luôn đảm bảo sự hoàn hảo và nổi bật với hoa văn trang trí tinh xảo, cân đối mang nét đặc trưng riêng.
“Để theo kịp xu thế, cũng như để nghề truyền thống không bị mai một, chúng tôi phải tìm cách giúp người thợ có thu nhập ổn định, có thể sống được bằng nghề.
Vì thế, làng nghề Đồng Xâm chia làm 2 mảng, 1 mảng làm nghề truyền thống gồm có chạm thủ công mỹ nghệ, 1 mảng làm nghề kiểu hiện đại là làm các sản phẩm trang trí nội thất có sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc”, ông Khoa chia sẻ.
Ông Khoa cũng cho biết, nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, mẫu mã các sản phẩm của Đồng Xâm cũng đa dạng hơn, từ những đồ dùng thờ cúng cho đến những vật dụng trong gia đình và cả đồ trang sức… Giá các sản phẩm tùy thuộc vào mức độ tinh xảo, công sức, nguyên liệu bỏ ra.
Các sản phẩm chạm bạc của làng nghề Đồng Xâm ngày nay đã được rất nhiều người biết đến, yêu thích và đặt mua, thậm chí đã có nhiều đơn hàng được gửi đi nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhờ đó, tinh hoa của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã vươn ra khỏi mảnh đất hình chữ S.
“Những người làm nghề lâu năm như chúng tôi chỉ mong nghề truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy, bởi nghề này rất độc đáo, có bản sắc riêng.
Tới đây, hội làng nghề Đồng Xâm cũng sẽ mở những lớp học để truyền dạy nghề cho những thế hệ trẻ yêu thích chạm bạc, góp phần truyền “lửa” cho thế hệ trẻ, cũng như góp phần lưu giữ nghề truyền thống của quê hương”, ông Khoa tâm sự.