Chỉ 2-3 năm trở lại đây, "ăn theo" cơn sốt đất, những lô đất quê tăng lên chóng mặt. Bà Hà Đang (Ý Yên, Nam Định) khi nhắc về giá đất quê vẫn không ngừng tiếc nuối, xót xa. Bà kể, năm 2013, lô đất mặt tiền 5m, rộng 150m2 ở quê bà chỉ có giá 70 triệu đồng/lô. Thế nhưng, thời đó, chẳng ai "tranh" nhau mua.
"Có hàng xóm cứ bảo tôi mua cho họ nhưng tôi lại không thích, dù thời ấy, có tiền để mua được", bà Đang kể. Đến năm 2019, lô đất này tăng giá thành 700 triệu đồng, tức gấp 10 lần. Bà Đang xót ruột vì không nghĩ giá đất tăng cao quá.
"Giá tăng quá nên tôi cũng chẳng có ý định vì thực sự mình có nhà để ở. Nghĩ mua lúc đắt thế này thì khó bán. Nhưng đến năm 2021, lô đất đối diện nhà tôi đã bán lên tới 1,2 tỷ đồng. Giá mà thời đấy tôi mạnh dạn mua thì giờ đã có vài trăm triệu", bà Đang nói thêm.
Tuy nhiên, theo bà Đang, khoảng 4 tháng nay, giá đất quê bà chưa thấy tăng thêm. Những lô đất dọc trục đường chính xã, nằm về mạn cuối vẫn chỉ dao động khoảng 1,2 tỷ đồng. Các mảnh đất gần sát UBND xã hay trường học thì tuỳ diện tích, giá trung bình 3-5 tỷ đồng/lô diện tích 150-hơn 200m2.
"Đợt này, tôi không thấy ai hỏi thêm về đất. Mất lô đất quê đối diện nhà tôi đang có một số người trả 1 tỷ đồng nhưng họ chưa bán. Chắc họ đợi tăng giá thêm", bà Đang cho biết.
(Ảnh minh hoạ)
Nhắc đến giá đất quê nơi mình sinh ra, chị Lê Hương (Thanh Hoá) từng bất ngờ và ngạc nhiên khi không thể nghĩ rằng, có một ngày giá đất quê mình lại đắt đỏ như vậy. Chỉ là những lô đất trong làng cách đây 7-8 năm giá 50-120 triệu đồng, tuỳ diện tích. Đến năm 2020, giá đất quê đã tăng tiền tỷ.
Chị Hương còn kể: "Xã quê tôi tổ chức đấu giá thường xuyên. Lô đất giá khởi điểm 200 triệu, lúc sau tăng lên tới hơn 1 tỷ đồng. Mà toàn người ở đâu về mua hồ sơ, tham gia đấu giá đất. Người dân ở quê thì thường không có tiền mua. Nhưng một số gia đình có con đi làm ăn xa, cũng bỏ vốn về quê mua ít lô để dành".
Tuy nhiên, theo chị Hương, hiện tại, giá đất quê chị đang chững lại. Nhiều tháng nay, không thấy người lạ về hỏi đất hay giao dịch. "Tôi biết 2 người hàng xóm cũng đầu tư lô đất đấu giá. Ban đầu, họ bảo, chắc chắn sẽ còn tăng thêm vài chục đến vài trăm triệu. Nhưng mấy tháng nay, không thấy giá đất tăng. Thậm chí, có người còn đang rao bán thấp hơn giá mua".
Anh Thanh Trường (môi giới, nhà đầu tư Hải Dương) còn kể thêm rằng, nhiều khu vực ở quê còn diễn ra tình trạng "gãy sóng". Một số "tay to" bỏ cọc chạy. Tình trạng này xảy ra đa phần ở loại hình đất đấu giá.
"Bây giờ đất quê chững, không còn dễ ăn như năm 2020-2021. Hiện tại, chỉ còn tình trạng cắt lỗ. Thanh khoản chậm lắm. Ai mà muốn bán nhanh thì phải cắt lỗ. Người có vốn mạnh thì đợi chờ được, chứ hiện tại khó bán. Giá cũng hạ", anh Trường nói.
Các chuyên gia cho rằng, sau khoảng thời gian tăng mạnh, giá bất động sản buộc phải chững lại, đặc biệt là đất ở quê. Những khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ. Điều này đẩy giá đất tăng quá mạnh, khiến nhu cầu sở hữu của người dân muốn ở thực trở nên xa vời. Điều đáng nói, việc tăng giá bất động sản không dựa trên thực tế sự đổi thay cơ sở hạ tầng hay các thông tin góp phần làm gia tăng giá trị.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng "sốt đất" cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.
Còn theo chuyên gia Trần Khánh Quang, hiện tại tâm lý e ngại mua bất động sản đã hình thành, nhất là với các BĐS có giá trị cao ở những tỉnh xa.
(Theo Nhịp sống kinh tế)