Chị Nguyễn D.T. (39 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP.HCM) thấy phù nề ở chân và mặt nên đi khám. Người phụ nữ này được bác sĩ chỉ định làm các cận lâm sàng. Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu cho thấy chị mắc suy thận mạn tính, phải nhập viện điều trị. Sau hơn một tuần, tình trạng phù ở quanh mắt, chân của bệnh nhân đã giảm.
Bệnh nhân này cho biết khi đi khám chị bất ngờ vì nguyên nhân gây suy thận của mình có thể do chế độ ăn chưa hợp lý. Chị lười ăn rau xanh, “hảo” thịt.
Theo thống kê, tại Việt Nam, hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính, trong đó, khoảng 26.000 bệnh nhân giai đoạn cuối, mỗi năm có gần 8.000 ca bệnh mắc mới.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng Khoa Nội Thận - Thận nhân tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh thận ngày càng trẻ hóa. Hàng ngày, rất nhiều bệnh nhân trẻ đến khám trong tình trạng bệnh đã nặng. Một số trường hợp phải chạy thận suốt đời.
Về chức năng của thận, vị bác sĩ này khẳng định nó đóng vai trò quan trọng, giúp thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể, cân bằng nước, điều hòa và sản xuất các hormone. Các yếu tố thúc đẩy bệnh thận như đái tháo đường, cao huyết áp. Người bệnh không kiểm soát tốt có thể gây biến chứng suy thận mạn, buộc phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
Đặc biệt, bác sĩ Thảo cho biết lối sống và thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi không hợp lý cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về thận như ăn uống giàu chất đạm, ăn mặn, lười uống nước.
Khi chức năng thận bị suy giảm, các triệu chứng xuất hiện rất thầm lặng. Nếu bạn đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ nhận thấy dấu hiệu bất thường khi chỉ số creatinin tăng cao. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn.
Theo bác sĩ Thảo, khi xuất hiện các biểu hiện như phù mặt, tay chân, tiểu ít hơn thường ngày, nước tiểu có nhiều bọt, da xanh xao… bệnh đã phức tạp có thể chuyển qua suy thận mạn rất nhanh.
Với người bị tổn thương thận cấp, chức năng thận suy giảm đột ngột, bác sĩ sẽ điều trị bằng các biện pháp cấp cứu Trường hợp mắc ở cấp độ 1-4, bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân để điều trị hoặc làm chậm quá trình suy thận. Trường hợp giai đoạn cuối (cấp độ 5), bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thảo cho biết chúng ta nên duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây. Bạn nên hạn chế ăn giàu đạm, nhiều mỡ dầu, ăn mặn. Nạp quá nhiều muối sẽ dẫn tới tình trạng giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất trong các mạch máu thận, làm tăng gánh nặng cho bộ phận này.
Hiện nay, nhiều thông tin quảng cáo thuốc bổ thận, bác sĩ Thảo cho rằng hiện chưa có thuốc bổ thận. Ngoài ra, chúng ta cần uống đủ nước mỗi ngày để lọc bớt độc tố, giúp thận khỏe hơn.
Để nhận biết mình có mắc bệnh hay không, bạn có thể làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng. Tổng chi phí có các xét nghiệm này khoảng 300.000 đồng, có thể giúp bạn đánh giá được chức năng thận của mình. Vì vậy, bác sĩ Thảo chia sẻ chúng ta nên thực hiện xét nghiệm này hàng năm nhất là người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, gia đình có người thân bị bệnh thận.