Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, trung bình mỗi người cần 6 - 8 ly nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Mất nước hay thừa nước đều nguy hiểm với sức khỏe.
Những thói quen như uống quá nhiều nước khi khát, uống nước quá lạnh, uống bia khi trời nắng nóng... đều có ảnh hưởng không tốt với cơ thể.
Uống nước quá lạnh
Nước lạnh không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (nếu nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi...
Cần hạn chế uống nước quá lạnh vào mùa nóng vì nước lạnh hạ nhiệt trong cơ thể, làm chậm lại quá trình trao đổi chất.
Chỉ uống nước khi thấy khát
Khi chúng ta cảm thấy khát nghĩa là cơ thể đã thiếu nước. Nếu chỉ uống nước khi khát hoặc để khát lâu mới uống sẽ khiến người nhanh mệt mỏi.
Khi khát, người ta thường uống nhanh và vội ly nước thật đầy. Đây là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể vì có thể làm cho máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim, nhất là với người làm việc nặng hoặc vừa chạy về.
Đồng thời, uống nhiều nước một lúc sẽ khiến mồ hôi đổ ra liên tục khiến cơ thể thiếu các chất điện giải như kali, natri... và cảm giác khát lại càng tăng.
Uống cà phê, trà, bia rượu
Trong thời tiết nắng nóng, sử dụng đồ uống chứa caffeine hay đồ uống có cồn càng làm gia tăng tình trạng mất nước của cơ thể.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân nên uống nước chậm và từng ngụm nhỏ giúp cơ thể kịp đáp ứng, dần dần đưa nước đều đến các cơ quan, giúp cho quá trình hấp thu của cơ thể được thuận lợi.
Những đối tượng cần chú ý bổ sung nước
- Người làm những công việc nặng nhọc ngoài trời nắng nóng (như thợ điện, thợ xây, công nhân,...).
- Vận động viên thể thao thường xuyên tập luyện nhiều.
- Người lớn tuổi ăn uống kém khiến cơ thể mất nước trầm trọng.
- Người bị sốt, tiêu chảy khiến cơ thể mất nước.
- Người bị suy thận.
- Người có bệnh tiểu đường hạn chế dùng đồ uống có đường, người bị rối loạn điện giải cần dùng nước theo chỉ định của thầy thuốc.