Con số này, dù đã tăng đặc biệt cao chỉ trong năm 2021, lại rất nhỏ bé và khiêm tốn so với các con số tương ứng của các quốc gia được liệt kê trong báo cáo. Đến hết quý II/2022, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc là 36,8% GDP; Hàn Quốc là 86,6% GDP; Nhật Bản là 17,5% GDP; Singapore là 35,2% GDP; Thái Lan là 25,4% GDP; Malaysia là 55,1% GDP.
Tương quan như vậy, tôi hiểu, có hàm ý rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần được chăm bón, phát triển bền vững như các quốc gia khác.
Trước hết, cần khẳng định, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn để giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn thay vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm gánh nặng cho chính sách tiền tệ vốn phải gánh nhiều mục tiêu lâu nay.
Nhưng những “con sâu” đã đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững của thị trường này. Thủ tướng chỉ ra thực tế là thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu.
Ông khẳng định rằng, không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế và để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững, đúng pháp luật.
Thủ tướng cam kết: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Thông điệp này cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Đó là thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự nhưng cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phải khẳng định rằng, đây là thông điệp rất mạnh mẽ và thẳng thắn của Chính phủ mà Thủ tướng cam kết trước Quốc hội.
Gần đây, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với các diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính. Các chính phủ đều đau đầu trước tình thế này và đều đưa ra các giải pháp để xử lý mang “bàn tay hữu hình”. Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc công bố chương trình trị giá 35 tỷ USD hỗ trợ thanh khoản đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước này.
Với trường hợp Việt Nam, xin giới thiệu giải pháp của TS. Nguyễn Đức Kiên mà báo chí đã đăng tải. Ông khuyến nghị, cần chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua trái phiếu của các doanh nghiệp từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân theo phương án phát hành trái phiếu của SCIC, DATC và VAMC để hoán đổi cho nhà đầu tư và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tiến sỹ lý giải, việc Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không.
Có lẽ đây là một giải pháp nên tính toán, cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các giải pháp khác. Tất nhiên, nó đòi hỏi trách nhiệm và bản lĩnh của không ít cơ quan.
Hơn tất cả, các giải pháp đó cần nhắm tới mục tiêu là bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân theo quy định của pháp luật; bảo vệ, khuyến khích người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả “trong bất cứ hoàn cảnh nào” mà Thủ tướng đã khẳng định.