Diễn biến Covid-19 phức tạp trở lại: Khoảng 30-40% khách sạn, resort tại Bình Thuận chưa mở cửa trở lại, theo ước tính từ Sở VHTT&DL tỉnh, khiến 70% lao động trong ngành mất việc.
Tại buổi Họp báo giới thiệu Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận ngày 23/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Minh, cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh” diễn ra trong suốt năm tới, đến nay, hầu hết các cơ sở du lịch, dịch vụ tại địa phương đã mở cửa hoạt động trở lại.
Năm 2022, Bình Thuận dự kiến đón tổng cộng 5,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 200.000 khách quốc tế. Con số này, theo ông Minh, còn quá nhỏ bé so với kỳ vọng (500.000 lượt khách). Doanh thu từ du lịch năm nay đạt khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng.
Là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận phấn đấu đón 6,5 triệu lượt khách - cao hơn cả thời điểm du lịch bùng nổ (năm 2019) là 6,4 triệu lượt. Khi đó, doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt 15,2 nghìn tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia, bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận, cho hay, trong năm 2023 tỉnh có 208 sự kiện, hoạt động. Trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ VH-TT&DL, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức như: Lễ công bố “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh” gắn với lễ hội đếm ngược (Countdown), Lễ Khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Lễ trao giải chung kết cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045”, Lễ Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh”, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế và quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận chủ trì, tổ chức chuỗi 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế. Cùng với đó, có 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 do 41 tỉnh, thành tổ chức.
Đến nay, địa phương có gần 600 cơ sở lưu trú với gần 18.000 phòng; trong đó có 45 khách sạn, resort từ 3-5 sao, với gần 5.000 phòng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch - dự kiến sẽ tăng cao, ông Nguyễn Minh cho hay, do tình hình chung, đến nay việc thu hút đầu tư mới trên địa bàn rất khó khăn. Bình Thuận đang tập trung tháo gỡ các dự án chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng. “Nếu dự án khó khăn do chủ quan nhà đầu tư, chúng tôi kiên quyết thu hồi đất để ưu tiên các dự án có năng lực”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, với việc đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng, Bình Thuận một thời được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam. Nhưng ông cho rằng, việc ví von đó chỉ phù hợp từng thời điểm; đến nay, địa phương đang có những bất cập, cần xem xét lại.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bước vào giai đoạn bình thường mới, mở cửa hoàn toàn, du lịch Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc, hoạt động sôi động trở lại. 10 tháng năm 2022, Việt Nam đón được hơn 2,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 92 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 425 nghìn tỷ đồng. Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trong tháng 10 cao hơn 20% so với tháng 9 và cao gấp 11 lần so với tháng 3”.
“Việc được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ giúp Bình Thuận phát huy vai trò trong liên kết, tạo động lực phát triển du lịch khu vực Nam Trung Bộ. Đồng thời, những giá trị, tiềm năng của du lịch Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.