Tại tại hội thảo “Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức giữa tuần qua, bà Lại Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) kể câu chuyện, một doanh nhân người nước ngoài xin đầu tư dự án vào Việt Nam, với số vốn 200 triệu USD.
Tuy nhiên, trong hồ sơ, doanh nhân này chỉ trình ra một giấy xin vay 200 triệu USD từ một ngân hàng Thụy Sỹ.
Bà nhấn mạnh, đó chỉ là giấy xin vay tiền chứ không phải là giấy xác nhận được cho vay. Vậy nhưng, dự án vẫn được địa phương cấp phép. Đây là minh chứng cho việc cấp phép đầu tư dễ dãi và thiếu sự sàng lọc kỹ lưỡng.
Theo VCCI, 35 năm qua, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai quan trọng vào việc phát triển kinh tế. Theo ước tính, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, hoạt động của nhiều dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề bất cập. Các dự án FDI chủ yếu có quy mô nhỏ.
Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 1.254 dự án đầu tư có vốn từ 50 triệu USD trở lên, còn lại hàng chục ngàn dự án có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm tới 96,4% tổng số dự án FDI. Chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.
Từ năm 2006, việc phân cấp cho chính quyền các tỉnh, thành được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI. Nhưng, có tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi không đúng thẩm quyền, vượt quy định...
Tình trạng dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích tổng thể quốc gia. Công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý, giám sát các dự án FDI còn lỏng lẻo. Hay cấp phép nhiều cho các dự án quy mô lớn nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, để thu hút các dự án FDI chất lượng hay các dự án kinh doanh có trách nhiệm, Việt Nam thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, cho hay, khi làm việc với các địa phương thu hút lượng vốn FDI lớn thì thấy rằng, sàng lọc các dự án chủ yếu dựa trên kinh nghiệm mà không có công cụ đánh giá nào. Khi những cán bộ có kinh nghiệm chuyển vị trí công tác sẽ để lại khoảng trống.
VCCI cho biết đã hợp tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) xây dựng một bộ công cụ nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố xác định các tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn của dự án FDI. VCCI kêu gọi các bộ ngành liên quan cùng xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ công cụ này một cách chính thức trong công tác thẩm định dự án FDI tại các địa phương.