Khởi đầu ước mơ du học từ rất sớm nhưng Lê Thị Thu Nguyệt (sinh năm 1995) không lựa chọn tới Mỹ ngay mà ở lại Việt Nam học tập thêm 4 năm. Nhưng với nữ sinh Đà Nẵng, đó đều là quãng thời gian đáng giá. Hơn 6 năm kể từ ngày tốt nghiệp, Nguyệt đã “chạm tay” tới ước mơ hoàn thành chương trình tiến sĩ Toán học ứng dụng tại Mỹ.
“Cha mẹ luôn muốn tôi hạnh phúc với mọi lựa chọn của mình. Đến hiện tại, tôi hài lòng với tất cả, dù hành trình ấy không phải lúc nào cũng màu hồng”, Nguyệt nói.
Sinh ra trong gia đình có bố là giảng viên ngành Toán tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, mẹ là giáo viên dạy Toán tại Trường THCS Phan Đình Phùng, Nguyệt được nuôi dưỡng tình yêu với môn Toán từ rất sớm.
Năm lớp 3, khi tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi, nữ sinh là người duy nhất giải được câu hỏi phân loại và đạt điểm cao nhất trường. Cũng từ ấy, Nguyệt bắt đầu thấy hứng thú đi tìm lời giải cho những bài toán khác nhau.
Xác định sẽ đi du học bằng con đường tự tìm kiếm học bổng, nhưng cảm thấy vẫn “nặng lòng với gia đình”, Nguyệt quyết định ở lại Việt Nam thêm 4 năm trước khi thực hiện giấc mơ Mỹ. Cô chọn học Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng để được gần ba mẹ hơn. Năm 2013, Nguyệt trở thành thủ khoa đầu vào của trường với 27 điểm.
Quãng thời học tập ngành Sư phạm Toán, nữ sinh được tiếp xúc nhiều với các kiến thức Toán học, từ đó càng muốn nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này thay vì con đường giảng dạy. Thu Nguyệt từng có 2 lần đoạt giải Nhất môn Giải tích tại kỳ thi Olympic sinh viên giỏi do ĐH Đà Nẵng tổ chức.
Sang năm 2, Nguyệt bắt đầu chuẩn bị hồ sơ, chứng chỉ để nộp học bổng bậc tiến sĩ tại Mỹ. Có sự chuẩn bị từ sớm, Nguyệt nhanh chóng hoàn thành các chứng chỉ cần thiết như TOEFL, GRE, GRE Math, xin thư giới thiệu từ một số giáo sư tại trường và chuẩn bị bài luận.
Về mặt tài chính, Nguyệt cho biết em gái kém 7 tuổi cũng có ước mơ được du học Mỹ. Vì ba mẹ chỉ có đủ khả năng chi trả cho một người, Nguyệt quyết tâm nhắm đến các học bổng toàn phần để nhường cơ hội cho em gái.
Năm 2017, Nguyệt tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng với GPA đạt 3.9/4.0. Cùng lúc, nữ sinh nhận tin giành học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Toán học của ĐH Indiana, Bloomington, ngôi trường đại học top đầu nước Mỹ.
Nửa năm sau, Nguyệt lên đường tới Mỹ với tâm thế háo hức. “Tôi ấn tượng về ngôi trường này thông qua những bức hình trên Internet. Nơi đây có nhiều tòa nhà đẹp, cổ kính, cây cối xanh mướt như trong phim”.
Nhưng khi tới nơi, Nguyệt “sốc” vì mọi thứ không giống như mình tưởng tượng. Bloomington nơi ngôi trường tọa lạc vốn rất lạnh và vắng người. “Để tìm được một vài người Việt cũng rất khó”, cô nhớ lại. Không ít ngày phải đi bộ tới trạm xe bus một mình trong tình trạng ướt nhẹp vì tuyết, Nguyệt càng cảm thấy lạc lõng ở một nơi xa lạ.
Nửa năm đầu, việc học cũng không như kỳ vọng. Mất vài lần thi trượt, học lại để đạt chuẩn đầu vào nghiên cứu sinh, Nguyệt dần cảm thấy stress, khủng hoảng.
Hết mùa đông đầu tiên, cô gái Việt có một chuyến đi tới Los Angeles. Sự náo nhiệt, sôi động tại đây như “cú hích” khiến cô nhen nhóm về ý định chuyển trường.
“Chương trình tiến sĩ tại Indiana kéo dài trong 5 năm, nhưng tôi nghĩ mình không phù hợp nên muốn dừng lại để chuyển sang nghiên cứu mảng Toán ứng dụng”. Thời điểm ấy, Nguyệt vừa hoàn thành xong tấm bằng thạc sĩ Toán học tại ĐH Indiana, Bloomington với GPA đạt 3.9/4.0 và đã đỗ hết các kỳ thi cấp tiến sĩ.
Bắt đầu lại từ việc nộp hồ sơ nhưng Nguyệt cảm thấy vui nhiều hơn tiếc nuối. Cô cũng không thấy hoài phí vì nhờ quãng thời gian này, bản thân cũng tìm ra thế mạnh và đam mê, nhờ vậy được nhiều trường đại học của Mỹ sẵn sàng cấp học bổng tiến sĩ toàn phần. Thu Nguyệt sau đó chọn theo học ĐH Nam California, ngành Toán học ứng dụng.
Việc trải qua 2 năm học tập tại Mỹ đem lại cho Nguyệt nhiều thuận lợi. Vì đã học một số môn tương đương, cô được chuyển đổi điểm khi sang ngôi trường mới mà không cần học lại.
Dù tại đây, Nguyệt vẫn cần phải trải qua các kỳ thi, bài kiểm tra năng lực để đủ điều kiện bắt đầu tham gia nghiên cứu, song với kinh nghiệm trước đó, Nguyệt nhanh chóng vượt qua và được nghiên cứu ngay từ năm thứ 2 – điều hầu hết nghiên cứu sinh phải mất tới 2 năm.
“Ở ngôi trường mới, tôi không còn cảm thấy nặng nề và áp lực. Đó cũng là nơi phù hợp mà tôi muốn gắn bó”, Nguyệt nói.
Giữa rất nhiều lĩnh vực, Nguyệt lựa chọn nghiên cứu sâu về Phương trình đạo hàm riêng – vốn được áp dụng nhiều trong ngành Tài chính. Chỉ trong vòng 9 tháng, cô đã hoàn thành bài báo đầu tiên liên quan đến tính duy nhất về mặt định lượng của phương trình Parabol, được ứng dụng trong ngành Điều khiển tự động. Bài báo được đăng tải vào tháng 12 năm ngoái.
Đây cũng là bước “tạo đà” giúp Nguyệt tự tin tiếp tục khám phá những bài toán ứng dụng khác trong phương trình Elip và Parabol.
Đến tháng 10 năm nay, Nguyệt hoàn thành chương trình tiến sĩ Toán học ứng dụng ĐH Nam California, sớm hơn nửa năm so với lộ trình.
Trước khi tốt nghiệp, Nguyệt cũng có quãng thời gian thực tập tại mảng Nghiên cứu định lượng ở JP Morgan Chase & Co. - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Để được vào ngân hàng này, ứng viên phải trải qua 6 vòng đánh giá gắt gao.
Kết thúc quá trình tập sự, tháng 9/2023, cô gái Việt nằm trong top 20% có kết quả tốt nhất và được nhận vào làm việc chính thức ở New York tại vị trí thiết kế các mô hình Toán tài chính và phân tích dữ liệu cho ngân hàng.
Trong suốt hành trình đã đi qua, Nguyệt cảm thấy “có nhiều áp lực nhưng cũng có rất nhiều động lực”. “Tôi vẫn đang trên lộ trình tiếp tục nỗ lực, phấn đấu”, cô nói.
Thu Nguyệt cũng biết ơn ba - người đã truyền cho mình động lực và tình yêu với môn Toán từ khi còn bé. “Trước đây, ba thường đố 2 chị em những câu hỏi toán học thú vị. Lớn hơn, 2 ba con thường ngồi trao đổi và cùng nhau giải chung các bài toán khó. Cũng có giai đoạn, tôi hoang mang liệu mình có chọn sai đường, ba vẫn luôn là người luôn đồng hành, phân tích và ủng hộ tôi trong mọi lựa chọn”.
Đến giờ khi nhìn lại, Nguyệt cảm thấy may mắn vì đã kiên trì theo đuổi học và làm Toán, bởi đây chính là nền tảng giúp cô tự tin chinh phục dù làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào.