Cuối chiều 18/9 (giờ địa phương), trước khi rời San Francisco tiếp tục hành trình đến Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm một số doanh nghiệp lớn tại thung lũng Silicon, trong đó có công ty Synopsys.
Hỗ trợ giải pháp công nghệ, tài chính để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nhận được sự đón tiếp chân thành, nồng ấm của Synopsys: “Chúng tôi đến đây để hiện thực hóa mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ vừa được công bố cách đây một tuần".
Trong các trụ cột hợp tác giữa hai bên có hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cả giáo dục đào tạo. Vì vậy, Thủ tướng cho biết, cuộc làm việc với Synopsys với mong muốn công ty tiếp tục mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam.
"Các ông đã làm việc tại Việt Nam và có kinh nghiệm đầu tư hợp tác, quen với văn hóa của Việt Nam. Với không khí chính trị đang rất tốt đẹp giữa hai nước, việc mở rộng chuỗi cung ứng là đòi hỏi khách quan của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng mong muốn Synopsys giúp đỡ Trung tâm Đổi mới quốc gia của Việt Nam và đầu tư phát triển vào đây.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, mỗi quốc gia dân tộc có mức độ phát triển khác nhau, văn hóa, thị trường khác nhau, làm sao để thích ứng phát triển nhanh với thị trường, điều kiện của Việt Nam.
“Rất mong các ngài có giải pháp công nghệ, tài chính để chúng tôi phát triển nhanh, bền vững, góp phần đào tạo nguồn nhân lực về chip nói riêng và ngành công nghệ chất lượng cao nói chung cho Việt Nam”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cảm ơn Synopsys đã sắp xếp người Việt Nam làm việc tại đây và mong công ty tiếp tục thu hút lao động Việt Namc, tạo điều kiện cho họ để có cuộc sống hạnh phúc, ấm no tại Mỹ.
“Chúng ta cùng nhau hợp tác, cùng nhau chiến thắng, cùng nhau có lợi trên tinh thần tôi vẫn hay nói với các doanh nghiệp, là lợi ích hài hòa, rủi ro cùng nhau chia sẻ”, Thủ tướng gợi mở.
Thủ tướng mong muốn Synopsys tiếp tục đến Việt Nam và “chúng tôi luôn luôn chào đón, luôn luôn hợp tác, luôn luôn chiến thắng cùng nhau”.
Người đứng đầu Chính phủ chúc mừng thỏa thuận đầy tiềm năng, hứa hẹn giữa Synopsys và các cơ quan, là bước khởi đầu cho những chương trình, kế hoạch hợp tác sâu rộng, toàn diện, có sức lan tỏa lớn hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành của Việt Nam theo sát và kịp thời hỗ trợ để hai bên sớm hiện thực hóa các nội dung của biên bản này, giúp quan hệ hợp tác giữa Synopsys và phía Việt Nam thành công, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam và quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam
Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, và các lãnh đạo của đoàn Việt Nam đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Synopsys.
Biên bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Hợp tác này để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Synopsys sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn.
Cục này đang chủ trì tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Trong đó có kế hoạch đưa các công nghệ tiên tiến của Synopsys vào nguyên mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa các thiết kế SoC phần mềm và phần cứng.
Sự hợp tác này mục đích xây dựng dự thảo chiến lược nhằm thành lập trung tâm chế tạo và mô phỏng R&D cao cấp, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp về thiết kế vi mạch tiên tiến và hỗ trợ năng lực sản xuất chế tạo R&D tại Việt Nam.
Qua đây, Synopsys cam kết hỗ trợ ngành bán dẫn Việt Nam tăng cường lực lượng nhân lực thiết kế vi mạch và năng lực chế tạo R&D thông qua hợp tác với Chính phủ Việt Nam.
Synopsys cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông để giúp tổ chức này nâng cao vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Cũng tại đây, Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến lễ công bố hợp tác với Trung tâm Đổi mới Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.