Đây là một trong những chỉ đạo được nêu tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Trong đó, đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng giao theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình các dự án, tiến độ triển khai, giải ngân vốn, các khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, đấu thầu, đấu giá, giao đất…
Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án bất động sản và tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy các địa phương công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Chung cư tăng giá 19 quý liên tục
Ghi nhận trên thị trường bất động sản, trong khi nhiều phân khúc gặp khó khăn, không có thanh khoản thì nhà chung cư vẫn tăng giá liên tục.
Theo báo cáo của Savills Việt Nam, chỉ trong 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%. Cụ thể, trong quý III/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy giá chung cư cuối năm 2023 đang ở mức cao. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư mở bán trên thị trường sơ cấp trung bình tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.
Việc chung cư tăng giá trong vài năm qua chủ hộ “lãi đậm” từ vài trăm đến cả tỷ đồng không phải chuyện hiếm tại nhiều dự án ở Hà Nội. Ngay đến dự án nhà ở xã hội như dự án Đại Kim Building (Hoàng Mai, Hà Nội) sau 6 năm đã tăng giá cao hơn gấp đôi từ khoảng 15 triệu đồng lên 33 triệu đồng mỗi m2.
Chia sẻ tại một toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest cho rằng, vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết hiện nay là tình trạng lệch pha cung - cầu của thị trường bất động sản.
Về nguyên nhân của sự lệch pha cung cầu này, theo vị Chủ tịch GP. Invest, vấn đề nằm ở những ách tắc trong pháp lý.
Lãnh đạo GP. Invest phản ánh rằng hiện nay cần quá nhiều thủ tục hành chính, điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cũng cho rằng, lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý và giải pháp cần phải giảm giá nhà.
Theo ông Toản, để giảm giá, Chính phủ phải có quỹ đầu tư nhà ở/đầu tư bất động sản. Ví dụ, ở các cửa ngõ Thủ đô, Chính phủ dùng quỹ đầu tư đó cho xây 4 khu đô thị, mỗi khu đô thị vài trăm ha.
"Tôi tin rằng khi đó giá nhà sẽ được kiểm soát", Tổng giám đốc EZ Property nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng nên tập trung nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là thị trường có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao nhưng hiện tại chúng ta chưa làm được.