Dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Dự buổi lễ còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương…
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, trải qua 30 năm, Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể, kinh tế liên tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 38 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 35 lần so với năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I, tăng dần khu vực II, khu vực III.
Các ngành kinh tế chủ yếu có sự phát triển một cách nhanh chóng. Sản lượng lúa năm 2021 đạt trên 2 triệu tấn, là 1 trong 5 tỉnh có sản lượng lúa cao nhất cả nước. Tổng sản lượng thủy sản tăng gần 13 lần so với năm 1992. Đặc biệt là giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt hơn 01 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 95 lần so với năm 1992.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Sóc Trăng đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được triển khai tích cực, đầy đủ, kịp thời. Mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang. Mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng chống có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn… Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và chính trị luôn được các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo.
“30 năm tái lập tỉnh – một chặng đường chưa thể gọi là dài đối với tiến trình phát triển, song đó chính là mốc son quan trọng đánh dấu cho những nỗ lực và trưởng thành của tỉnh nhà. Đó kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trằng; đồng thời đó cũng là nền tảng vững chắc để một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng sẽ tiếp tục phấn đấu để bước tiếp trên con đường hội nhập và phát triển trong tương lai”, ông Trần Văn Lâu phát biểu.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tháng 4 năm 1992 tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng có nền kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, đất đai bị nhiễm phèn, mặn, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Sau 30 năm phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã đoàn kết, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt lên chính mình, băng qua gian khó, biến thách thức thành cơ hội, vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, bên cạnh những thành tích nổi bật trong 3 thập kỷ qua thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển nhanh và bền vững.
Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tự hào về thành quả đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển, Sóc Trăng cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh để bứt phá, phát triển nhanh, bền vững với tinh thần dựa vào nội lực là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
“Sóc Trăng có hệ thống đê sông - đê biển gần 500km, được ví như “rồng biển Sóc Trăng”, có đường bờ biển dài 72km, sức gió bình quân hơn 6m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió... Sóc Trăng còn sở hữu ba vùng sinh thái nước ngọt - mặn - lợ là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi. Dân số gần 1,2 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với trên 640 nghìn người là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng nói, tiềm năng phát triển của Sóc Trăng rất lớn. Như câu ca dao:
“Sóc Trăng nước mặn đồng bằng;
Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho;
Kế Sách, Ba Rinh, Xà Mo;
Lắm vườn nhiều ruộng, không lo mất mùa”.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sóc Trăng sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Sóc Trăng bứt phá đi lên.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn thay mặt Đảng bộ tỉnh xin nghiêm túc tiếp thu và sẽ quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng xin hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được; ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách; tận dụng thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững”, ông Lâm Văn Mẫn bày tỏ.
H.Thanh