Chuyến công tác của Thủ tướng theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Séc Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Tham gia đoàn có: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, Đại sứ Việt Nam tại Séc Dương Hoài Nam, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long và Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, tham gia đoàn.
Với Séc và Ba Lan, chuyến thăm hết sức đặc biệt bởi diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Ba Lan và với Séc (2/1950-2/2025). Đây là 2 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi chúng ta giành độc lập.
Với Thụy Sĩ, hai nước có lịch sử vun đắp quan hệ và hợp tác nhiều mặt trong hơn 50 năm qua và Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1971.
Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới, xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn nhận được tình cảm tốt đẹp, sự hỗ trợ to lớn và quý báu của những quốc gia này.
Ba Lan và Séc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu. Hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa – thể thao và du lịch, lao động... phát triển tích cực.
Trong năm 2024, Việt Nam đã đón khoảng 50.000 du khách Ba Lan và khoảng 25.000 du khách Séc đến thăm Việt Nam. Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có khoảng 25.000 người và tại Séc khoảng 100.000 người có những đóng góp tích cực cho sở tại, cho quan hệ song phương và được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Séc đã được Nhà nước Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 vào năm 2013 (là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn thứ 3 tại Séc, chiếm 1% dân số).
Với Thụy Sĩ, trong những năm qua, hai bên luôn duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao thường xuyên, đồng thời phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.
Hai bên đang tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Về kinh tế, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 2,1 tỷ USD. Hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, văn hóa - du lịch có nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Quan hệ hai nước được thúc đẩy thông qua cầu nối hữu nghị của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ với khoảng 10.000 người, luôn hướng về quê hương, đất nước và hội nhập, đóng góp tích cực cho sở tại.
Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp, cùng những dư địa hợp tác rộng mở, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nâng tầm quan hệ của ta với cả Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong hợp tác trên các lĩnh vực với ba đối tác quan trọng của chúng ta tại châu Âu.