Theo hãng tin Reuters và tờ The Nation, tòa án đã thông báo về động thái trên trong một tuyên bố bằng văn bản gửi cho giới truyền thông. Hiện chưa rõ khi nào tòa án hiến pháp sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về đơn kiến nghị mà đảng đối lập chính ở nước này đệ trình.
Ông Prauyth lên nắm quyền vào năm 2014 sau một cuộc đảo chính tại nước này. Hiến pháp năm 2017 của nước này cấm Thủ tướng nắm quyền tổng số hơn 8 năm và phe đối lập cho rằng thời gian lãnh đạo của ông Prayuth đã tới giới hạn đó.
Phe đối lập cho hay, thời gian nắm quyền của ông Prayuth bắt đầu từ 24/8/2014 khi ông được Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê chuẩn. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Prayuth lại lập luận, ông trở thành Thủ tướng năm 2017, khi hiến pháp do quân đội soạn thảo được thực thi hoặc có thể tính từ 2019 khi ông giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử.
Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan sẽ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo lâm thời ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông Wongsuwan, 77 tuổi, là cựu tham mưu trưởng và là nhà chính trị lâu năm.
Hiện, căng thẳng chính trị ở Thái Lan đang tăng cao. Ít nhất 4 cuộc nhóm chống chính phủ đã tổ chức biểu tình tại các địa điểm lớn quanh thủ đô gồm Tượng đài Dân chủ, tòa thị chính Bangkok và bên ngoài tòa nhà chính phủ, nơi đang được cảnh sát chống bạo động canh gác.