Theo CNN, phán quyết gây sốc trên khiến Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa. Quyết định trên được đưa ra một tuần sau khi cũng tòa án này giải tán đảng Tiến bước và cấm các lãnh đạo của đảng này tham gia chính trường trong 10 năm. Đảng Tiến bước giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội Thái Lan tại cuộc bầu cử năm ngoái.
Tòa án Hiến pháp ở Bangkok phán quyết, ông Srettha - ông trùm bất động sản và là người mới tham gia chính trường, đã vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm một bộ trưởng không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức vào nội các.
Ông Srettha Thavisin là Thủ tướng thứ 4 trong vòng 16 năm bị bãi nhiệm theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan.
Với việc ông Srettha bị bãi nhiệm, liên minh cầm quyền do Pheu Thai lãnh đạo sẽ phải đề cử một ứng viên mới cho chức Thủ tướng, sau đó, 500 nghị sĩ Quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu bầu chọn người đứng đầu chính phủ mới.
Thủ tướng bị bãi nhiệm có thể khiến bối cảnh chính trị vốn đã hỗn loạn ở Thái Lan có thêm nhiều biến động. Trong hai thập niên qua, hàng chục nhà lập pháp ở nước này đã đối mặt với lệnh cấm, nhiều đảng bị giải tán và thủ tướng bị bãi nhiệm.
Vụ kiện chống ông Srettha được một nhóm 40 cựu thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm, đệ trình vào tháng 5. Những cựu nghị sĩ này muốn Thủ tướng bị bãi nhiệm vì bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, một phụ tá thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin vào nội các. Ông Pichit từng phải ngồi tù 6 tháng hồi 2008 vì coi thường tòa án, sau khi cố gắng hối lộ các quan chức của tòa án tối cao trong vụ việc liên quan tới ông Thaksin.
Ông Srettha đã phủ nhận các hành vi sai trái và khẳng định ông Pichit đã được thẩm tra.
Các cuộc thăm dò cho thấy, mức độ ủng hộ đối với ông Srettha đã giảm trong những tháng gần đây, vì các chính sách kinh tế quan trọng của ông bị phản đối và trì hoãn.