Vướng mắc tới đâu phải tháo gỡ kịp thời tới đó
Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Thủ tướng cho biết, tinh thần của cuộc làm việc là “vướng mắc tới đâu, tháo gỡ tới đó”, thúc đẩy kinh tế phát triển đúng với vai trò đầu tàu cả nước. TP.HCM là đầu tàu cả nước trên nhiều lĩnh vực, vì vậy, Thường trực Chính phủ thường xuyên làm việc với thành phố, nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tồn tại.
Theo Thủ tướng, nhiều nước đang căng sức chống lạm phát, kinh tế trên đà suy giảm, gây tác động khó khăn với nước ta về mặt thị trường, tài chính, tiền tệ. Ảnh hưởng đó có thể làm mất giá đồng tiền, mất thị trường, thu hẹp thị trường. Đối với vấn đề nội tại, dù có nhiều tín hiệu tích cực, phát huy hiệu quả, nhưng các điểm yếu trong nước cũng có, sau đại dịch bộc lộ sâu sắc hơn.
3 tháng đầu năm, đã có nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, giúp điều hành, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi, các chính sách đó đi vào thực tiễn với TP.HCM chưa? Nếu đã đi vào rồi, thì tới mức nào? Nút thắt, vướng mắc được tháo gỡ đến đâu, như thế nào?.
Dẫn chứng, dù đã có các nghị định, thông tư tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên, tại cuộc làm việc hôm qua với Bệnh viên Ung Bướu thành phố, Thủ tướng vẫn thấy có nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cùng TP.HCM phải xem những chính sách ban hành đã thực chất đi vào cuộc sống chưa? Quá trình vận hành còn vướng mắc gì? Phải cùng tháo gỡ để bổ sung hoàn thiện, phù hợp với tình hình.
“TP.HCM là đầu tàu của nền kinh tế nước ta trên các lĩnh vực, có ảnh hưởng, tác động lớn đến cả nước. Nếu TP.HCM phát triển tốt thì cả nước nhận được tác động lan tỏa, nếu khó khăn thì cả nước cũng bị ảnh hưởng khó khăn”, Thủ tướng nói.
Chuyển động của các cấp chính quyền còn chậm
Báo cáo với Thủ tướng về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn nêu tồn tại, hạn chế của thành phố.
Cụ thể, trong quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất thấp (GRDP ước tăng 0,7% so với cùng kỳ); thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm.
Thành phố có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%) và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ. Cùng với đó, việc giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%); tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành chưa đạt yêu cầu. Tiến độ thực hiện chương trình công tác năm 2023 của UBND thành phố còn chậm, tỷ lệ nhiệm vụ trễ hạn còn cao.
Ngoài những nguyên nhân khách đến từ bất ổn kinh tế thế giới, lãnh đạo TP.HCM thừa nhận các nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống văn bản pháp luật trong một số trường hợp, lĩnh vực còn tình trạng chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn; chuyển động của các cấp chính quyền thành phố còn chậm, thiếu đồng bộ. Một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc; thiếu tính chủ động, sáng tạo; thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ.
TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Theo UBND TP.HCM, trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn cũng đạt mức tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,12%. Thành phố thu hút được khoảng 497,5 triệu USD vốn FDI, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.796 nghìn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm.
Dự báo trong quý II/2023, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp.
Hiện, TP.HCM đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5% - 8%. Với bối cảnh như hiện nay, nhiều khả năng kịch bản bất lợi sẽ xảy ra và khả năng đạt 8% sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện các giải pháp để tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra kịch bản tăng trưởng trong quý II/2023, dự báo điểm cao nhất chỉ là 3,27%. Sang tới quý III/2023, dự báo điểm cao nhất lên tới 16,52%, thấp nhất là 16,16%. Dự báo điểm quý IV/2023 thấp nhất cũng đạt 10,13% và cao nhất đạt 12,14%, từ mức tăng trưởng các quý tiếp theo cao, sẽ kéo theo tăng trưởng cả năm đạt 7,5%.