Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 để xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ đã tích cực chuẩn bị, trình đề nghị xây dựng luật, báo cáo; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế với việc giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng lưu ý phản ứng chính sách, ban hành văn bản kịp thời, nâng cao chất lượng các quy định; phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa, cá thể hóa trách nhiệm. Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc trực tiếp; chống tiêu cực, tham nhũng, "cài cắm" lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng.
Song song với đó, cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ
Về việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thủ tướng cho rằng việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; kế thừa quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế...
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra hợp lý, khả thi, hiệu quả; hạn chế điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Thủ tướng cho biết sau hơn 10 năm thi hành, một số quy định không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, sửa đổi.
Về nguyên tắc, Thủ tướng yêu cầu cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực quảng cáo gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả ngành công nghiệp về quảng cáo, văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Thủ tướng lưu ý cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và công tác phối hợp của cơ quan liên quan; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý nhà nước về quảng cáo; đẩy mạnh cải cách và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; chú ý việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện cho cơ quan truyền thông thực hiện hoạt động quảng cáo.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua.
Về nội dung này, Thủ tướng giao VPCP chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; đề cao vai trò của các Phó Thủ tướng, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan…
Đối với văn bản cần ban hành trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đúng thời hạn, chất lượng; không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng thì bộ trưởng quyết định, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết định, những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ quyết định theo nguyên tắc đa số.