{keywords}
Thủ tướng yêu cầu VNPT tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành triển khai đẩy mạnh ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh việc cung cấp các nhóm dịch vụ công, thủ tục hành chính có tính liên thông, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi doanh nghiệp. Truyền thông và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống trực tuyến để thực sự tạo bước chuyển của cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mà cụ thể là Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tái cấu trúc quy trình xử phạt vi phạm giao thông đường bộ hoàn toàn trực tuyến, trước mắt thực hiện ra quyết định xử phạt điện tử; cung cấp dịch vụ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền cấp phòng, cấp đội tại Cục Cảnh sát giao thông và 63 tỉnh, thành phố trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7/2020 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cung cấp dịch vụ khai báo tình hình sử dụng lao động liên thông với thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 9/2020.

Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tích hợp, cung cấp 2 dịch vụ công là đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyên và gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7/2020.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với VNPT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia và các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cải thiện tính năng, chức năng bảo đảm thân thiện, dễ sử dụng; tăng cường chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện việc tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách, hoàn thiện, quảng bá cho Cổng dịch vụ công quốc gia đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng

Cổng dịch vụ công quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.

Cổng dịch vụ công quốc gia được xem là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

 NT

Cổng dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để "điện tử hóa" các dịch vụ hành chính

Cổng dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để "điện tử hóa" các dịch vụ hành chính

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, với những kết quả đạt được sau 5 tháng đi vào hoạt động, Cổng dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa các dịch vụ hành chính.